Đi chợ nghệ thuật

Trong nỗ lực tiếp cận công chúng, khách hàng, vài năm qua những phiên chợ nghệ thuật đầu xuân mở ra với hy vọng tái hiện một thị trường nghệ thuật nội địa vốn yếu ớt triền miên.

Một phép thử?

Chơi hoa, chơi tranh, bán đồ mỹ nghệ là nét đẹp ngày Tết đầu xuân của người Việt từ thành thị tới nông thôn. Nhớ câu thơ xa vời của nhà thơ Tố Hữu: “Ta còn nghèo phố chật nhà gianh/Nhưng sắm đủ vài tranh treo tết”. Nét đẹp của thói quen đến chợ Tết mua câu đối, bức hoành phi, vài bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống được cha ông gìn giữ, ít nhiều đã phôi pha trong việc sắm sửa ngày Tết thời hiện đại.

 Ý tưởng phiên chợ nghệ thuật được các nghệ sĩ Hà Nội ấp ủ và trình làng từ mùa xuân năm 2015 tại chợ Hàng Da. Mỗi nghệ sĩ tham dự đã mang đến chợ những tác phẩm nghệ thuật như tranh, tượng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sắp đặt. Các gian hàng mang phong cách, cá tính đặc trưng của từng nghệ sĩ. Công chúng, người tới chợ không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng, sở hữu tác phẩm, mà còn được trò chuyện, đối thoại, chứng kiến quá trình sáng tác tác phẩm.

Không ít người xem ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được gặp mặt, đặt chân vào một phòng tranh, một gian hàng nghệ thuật vốn xưa nay xa lạ, dành cho một số ít người quan tâm.

Cơ hội cho người yêu nghệ thuật.

Tín hiệu mở từ phiên chợ nghệ thuật xuân 2015 ở chợ Hàng Da đã tiếp sức cho một cuộc ra quân rầm rộ vào mùa xuân năm 2016 này – một hội chợ nghệ thuật lớn mang tên “Tết Art – Tinh hoa dân tộc” quy tụ hơn 200 nghệ sĩ mọi miền. Chợ là không gian chân thực của người Việt Nam, nơi tập trung sản phẩm mua bán trao đổi. Việc mang tác phẩm nghệ thuật đến đây phá vỡ rào cản giữa nghệ thuật và công chúng. Nghệ sĩ tiếp cận với mọi người, công chúng mọi lứa tuổi có cơ hội tiếp xúc nghệ thuật và được giáo dục thẩm mỹ trực tiếp. 

Xem thêm tin mới về  Kỳ tài thách đấu - chương trình giải trí có lịch sử lâu dài nhất Thái Lan đến Việt Nam

Với những định ước được các nghệ sĩ đưa ra: Tác phẩm đều có giá trị dưới 20 triệu đồng, tác phẩm không ghi tên giá, tên tác giả. Bằng ý tưởng mới mẻ này, khách hàng không bị giới hạn cảm nhận bởi bất cứ lý do gì, như tên tuổi hay giá bán, giúp người xem cảm nhận, đánh giá tác phẩm theo đúng mỹ cảm của họ.

Trong không khí rộn ràng, gấp gáp của ngày xuân với sức hút từ các điểm vui chơi, mua sắm, hội chợ nghệ thuật hấp dẫn không bởi sự kiện lạ lẫm mà từ chính sự gần gũi trong nỗ lực tiếp cận công chúng, khách hàng tạo nên một thị trường nghệ thuật đích thực và lành mạnh. Sẽ không ngỡ ngàng khi còn nhiều bước chân rụt rè khi đặt chân, chiêm ngưỡng hàn huyên nhiều hơn mua bán nhưng bản thân người nghệ sĩ đã “vượt qua chính mình” để mang tác phẩm đến chợ với ý nghĩa cởi mở, trân trọng công chúng, cộng đồng. Khách hàng bỏ tiền mua tác phẩm không chỉ là mua sắm món hàng trang trí, mà nâng tầm giá trị đầu tư và trao đổi. Đã có nhà sưu tầm mang tác phẩm đến bán, gây dựng ý thức tôn vinh cái đẹp.

Tác phẩm nghệ thuật không phải là món đồ trang trí.

Lạc quan để cởi mở

Sự èo uột của thị trường nghệ thuật hình như bắt đầu từ thị hiếu. Bà Nga – chủ một gallery ở Hà Nội bày tỏ, Việt Nam chưa có thị trường tranh đúng nghĩa, bởi người chơi tranh chủ yếu đi nhặt nhạnh chứ ít có ý tưởng sưu tập. Ít khi người ta bỏ ra vài ngàn đô la để mua một tác phẩm nghệ thuật, nhưng thật dễ dàng móc túi mua sắm tranh đá quí phong thủy vài trăm triệu đồng, hoặc muốn treo tranh làm sang thì thuê chép với giá vài trăm ngàn đồng.

Muốn có một thị trường tranh trong tương lai, ngay từ lúc này phải tạo cho được một thế hệ hiểu biết và yêu mỹ thuật thông qua giáo dục từ nhỏ. Việc mạnh dạn mở ra những hội chợ nghệ thuật tạo cơ hội cho mọi người tiếp cận với nghệ thuật, làm nền móng cho cảm nhận thẩm mỹ.

Xem thêm tin mới về  Giáo dục sớm cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời

Hội chợ như một phép thử?

Thương mại hóa nghệ thuật theo kiểu tìm mọi cách để bán được tác phẩm bất chấp sự rẻ rúng, nhếch nhác là không nên. Nhưng cách làm tăng giá trị thương mại cho tác phẩm nghệ thuật thì lại rất cần thiết. Nghệ thuật phát triển rất cần những xúc tiến thương mại, việc đưa tác phẩm ra không gian chợ dễ dàng cho công chúng tiếp cận là thúc đẩy nhu cầu thị trường nghệ thuật lành mạnh.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/