Không ai có thể quên nỗi đau chia cắt phụ tử do chiến tranh gây ra khiến người đọc phải ngậm ngùi đau đáu trong từng câu văn của “Chiếc lược ngà”. Đây là một tác phẩm văn học rất hay và là một kiến thức cần nắm cho chặng đường ôn thi vào lớp 10 của các em học sinh, cùng Giadinhvatreem đi tìm hiểu và củng cố kiến thức qua những phân tích chi tiết ngay sau đây.
Phân tích về tác giả Nguyễn Quang Sáng
- Tên thật: Nguyễn Quang Sáng ( Bút danh là Nguyễn Sáng)
- Sinh năm 1932 và mất năm 2014.
- Quê quán: huyện Chợ Mới của tỉnh An Giang
- Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam.
- Nguyễn Quang Sáng đã bắt đầu sự nghiệp viết của mình từ những năm 1952. Và thử sức, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học với đa dạng thể loại như: truyện ngắn, truyện vừa, kí và tiểu thuyết….
Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của tác giả Nguyễn Quang Sáng
Được biết, năm 1946 nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xung phong vào bộ đội và phụ trách liên lạc cho đơn vị. Cho đến năm 1948, đơn vị cho ông đi học thêm tại Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố.
Ông quay về công tác tại Phòng chính trị Bộ tư lệnh vào năm 1950, ông giữ vị trí cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại phân khu miền Tây Nam Bộ.
Ông theo đơn vị ra Bắc để tập kết vào năm 1955, chuyển ngành lên quân hàm Chuẩn uý và về làm cán bộ tại phòng văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Quang Sáng công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam và chịu trách nghiệm biên tập cho báo Văn Nghệ từ năm 1958.
Năm 1966, ông Sáng tham gia vào chiến trường miền Nam và trở thành cán bộ sáng tác của Hội văn nghệ Giải Phóng.
Sau ngày đất nước giải phóng và thống nhất, Nguyễn Quang Sáng trở về giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 nhiệm kỳ. Cho đến năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật.
Bên cạnh là một nhà văn đại tài, Nguyễn Quang Sáng còn được biết đến với nhiều cương vị khác nhau như tác giả và là biên kịch của phim điện ảnh Cánh đồng hoang và truyện ngắn Chiếc lược ngà nổi tiếng.
Phong cách sáng tác của Nguyễn Quang Sáng
Giọng văn trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng thường hùng hồn, khí phách giống như tính cách đặc trưng của những người con Nam Bộ. Ông thường sử dụng những tên gọi đời thường để gán cho nhân vật trong các tác phẩm của mình, giúp tạo nên sự gần gũi, giản dị.
Tác phẩm của ông thường gắn liền với con người và cảnh vật xung quanh cuộc sống của ông. Sự bi tráng kết hợp với tình huống truyện kịch tính, giàu chất thơ, cùng với đó là nhân vật mang nét anh hùng đã tạo nên những nét riêng biệt trong những tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng .
Phân tích sâu về tác phẩm Chiếc lược ngà
Cùng đi tìm hiểu và phân tích sâu về tác phẩm Chiếc lược ngà ngay sau đây.
Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm văn học Chiếc lược ngà
Chiếc lược ngà được in trong tập truyện ngắn cùng tên và được ra đời vào năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này vô cùng đặc biệt, khi thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta đang diễn ra hết sức ác liệt.
Ý nghĩa của nhan đề Chiếc lược ngà
“Chiếc lược ngà” là hình ảnh trung tâm của tác phẩm, góp phần làm nổi bật câu chuyện cảm động về tình cha con trong giai đoạn chiến tranh.
Hình ảnh “Chiếc lược ngà” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, giúp thể hiện chủ đề của tác phẩm:
- Đối với bé Thu, chiếc lược ngà là món quà đầu tiên và cũng là kỷ vật cuối cùng của người cha, mang theo đó là ước mơ, là tình cảm yêu thương của người cha dành cho con gái của mình
- Đối với ông Sáu, chiếc lược ngà là một món quà ông tự tay làm để dành tặng con gái, là một vật quý giá và thiêng liêng. Bởi lẽ nó chứa đựng hình bóng cô con gái, nó giúp ông gửi gắm nỗi nhớ, tình thương của ông tới cô con gái bé bỏng.
- Đối với bác Ba, chiếc lược ngà là vật trao gửi thiêng liêng giữa hai người đồng đội trên chiến trường
Nhan đề không chỉ thể hiện tình cảm cha con thắm thiết giữa ông Sáu và bé Thu mà còn là nỗi cảm thông, thấu hiểu của tác giả trước những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra cho biết bao gia đình Việt Nam. Những mất mát không chỉ về khoảng cách mà còn là tình cảm này chính là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra tại Nam Bộ.
Bố cục bài Chiếc lược ngà
- Phần 1: từ đoạn đầu đến “..chị cũng không muốn bắt nó về”: Bé Thu không nhận ra ông Sáu là ba trong khoảng thời gian ông Sáu về thăm nhà
- Phần 2: từ đoạn tiếp theo đến “…vừa nói vừa từ từ tuột xuống”: Bé Thu nhận ra ba trong ngày cuối ông Sáu ở nhà và cuộc chia tay giữa hai cha con
- Phần 3: đoạn còn lại: Chiếc lược ngà và sự hy sinh của ông Sáu trên chiến trường
Phân tích về tình huống truyện bé thu gặp ông Sáu
Truyện đã thể hiện sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong hai tình huống:
- Cuộc gặp gỡ của hai cha con sau 8 năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha. Đến lúc em nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.
- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ đứa con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng chiếc lược chưa gửi đến tay con thì ông đã hi sinh.
→ Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ 2 lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với con.
→ Tình huống truyện ở đây mang đầy kịch tính, chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Đó là những tình huống ngẫu nhiên song lại rất phổ biến bởi những tình huống đầy éo le này chúng ta thường gặp trong chiến tranh. Đặt các nhân vật của mình vào những tình huống ấy, nhà văn muốn khẳng định và ngợi ca tình cha con thiêng liêng, sâu nặng. Tình cảm ấy càng cao đẹp trong hoàn cảnh chiến tranh.
Giá trị văn học của tác phẩm
Là một tác phẩm văn học sâu sắc, tái hiện lại phân cảnh đau lòng của sự chia cắt tình phụ tử giữa thời thế chiến tranh hoành hành. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” mang tới nhiều nội dung sâu sắc.
Giá trị về nội dung
Tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” nói về tình phụ tử sâu nặng. Dù bị chiến tranh chia cắt nhưng bé Thu vẫn nhận cha, tuy nhiên thì một lần nữa bi kịch lại chia cắt hai cha con họ. Truyện ngắn đã để lại giá trị nhân văn to lớn khiến người đọc phải suy ngẫm và tiếc thương.
Giá trị về nghệ thuật
- Truyện được kể theo lời kể và điểm nhìn của bác Ba, từ đó mang tới tính khách quan cho câu chuyện.
- Tình huống bất ngờ diễn ra tự nhiên và hợp lí.
- Tâm lí nhân vật được miêu tả sâu sắc qua từng suy nghĩ, hành động và cả lời nói.
Dàn ý Phân tích chi tiết về truyện ngắn Chiếc lược ngà
Các em học sinh có thể tham khảo dàn ý chi tiết phân tích về truyện ngắn “Chiếc lược ngà” dưới đây để củng cố kiến thức trong quá trình ôn tập.
Mở bài của Chiếc lược ngà:
– Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm viết về cuộc sống gian nan mà hào hùng của đồng bào miền Nam trong cuộc đối đầu lịch sử với quân xâm lược Mĩ.
– Truyện Chiếc lược ngà sáng tác năm 1966 tại chiến trường miền Tây Nam Bộ, nội dung kể về tình cha con vô cùng đặc biệt và cảm động của người cán bộ cách mạng.
Thân bài của chiếc lược ngà:
* Phân tích:
+ Cuộc gặp gỡ của hai cha con sau bảy năm xa cách.
– Anh Sáu thoát li gia đình đi hoạt động cách mạng lúc con gái mới được một tuổi. Bảy năm sau, anh mới có dịp ghé thăm nhà, bé Thu đã lên tám tuổi.
– Anh Sáu vui mừng khôn xiết, muốn bày tỏ tình cảm yêu thương, âu yếm đối với con.
– Ngược lại, bé Thu đối với anh như người xa lạ: sợ hãi, xa lánh, dù má giải thích thế nào đi nữa, bé vẫn dứt khoát không nhận ba.
– Bữa cơm đoàn tụ, anh Sáu gắp cho con miếng trứng cá, bé Thu bất thần hất xuống đất. Anh Sáu nổi giận, đánh con một cái vào mông. Bé Thu giận, chèo xuồng sang sông với bà ngoại.
+ Cảnh chia tay đầy cảm động.
– Trong phút chia tay, tình yêu thương và nỗi khát khao được gặp cha bùng dậy trong lòng bé Thu khiến bé hối hả, cuống quýt bày tỏ tình cảm của mình.
– Bé bật kêu lên tiếng gọi “Ba!”, chạy lại ôm ghì lấy cổ ba không rời, khóc nức nở, không cho ba đi nữa.
– Chứng kiến cảnh này, ai cũng xúc động, xót xa. Bác Ba (bạn của anh Sáu) bỗng thấy khó thở như có bàn tay nắm lấy trái tim.
Kết bài của truyện ngắn Chiếc lược ngà:
– Truyện Chiếc lược ngà đã diễn tả chân thực tình cha con thắm thiết, sâu nặng. Trong hoàn cảnh chiến tranh, tình cảm ấy càng thiêng liêng, ngời sáng.
– Ẩn dưới câu chuyện được kể một cách khách quan là tiếng nói lên án chiến tranh xâm lược gây bao đau khổ cho con người.
Lời kết
Qua những phân tích chi tiết của chuyên mục giáo dục về tác phẩm văn học “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, hy vọng có thể giúp các em học sinh củng cố kiến thức trong kì thi lớp 10 về truyện ngắn này. Là một tác phẩm mang giá trị nhân văn cao đẹp về tình cảm phụ tử sâu sắc, truyện ngắn này xứng đáng là quốc bảo văn học của Việt Nam.