Sự mất mát, hi sinh nào cũng gây đau đớn quặn thắt. Song, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hi sinh trong thời bình dường như khiến chúng ta day dứt, thương cảm nhiều hơn…
Lực lượng cứu nạn tìm kiếm người mất tích tại khu vực nhà kiểm lâm ở Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. (Ảnh: TTXVN)
Tai nạn, cứu hộ và hi sinh trong thời bình
Tôi không quên được việc các cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong vụ tìm kiếm, cứu nạn ngoài biển cách đây 4 năm. Ngày 14/6/2016, một máy bay tiêm kích Su-30 MK2 của Không quân Nhân dân Việt Nam xuất phát từ Sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để thực tập huấn luyện, sau đó đã mất liên lạc khi cách đất liền ở Diễn Châu (Nghệ An) khoảng 25km. Cả 2 phi công nhảy dù nhưng chỉ có một người được cứu sống. Trong quá trình tìm kiếm Su-30MK2, một máy bay CASA-212 số hiệu 8983 cũng đã mất liên lạc, trên máy bay có 9 người.
Thế là 10 chiến sĩ, sĩ quan ưu tú thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân của Quân đội ta hi sinh trong thời bình. Điều này rất đau đớn, không chỉ người thân, đồng đội của các anh không thể nguôi ngoai, mà nhiều người dân bình thường cũng không thể quên sự kiện đau buồn này. Người ta vừa thương tiếc các anh, vừa day dứt khôn nguôi vì tai nạn ác nghiệt.
Cuộc sống là vậy, luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ gây chết chóc, đau thương. Trong đợt “lũ chồng lũ” vào tháng 10/2020 này, 11 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 4 cùng 2 người địa phương trong đoàn cứu nạn công nhân bị vùi lấp ở Thủy điện Rào Trăng 3 lại gặp nạn. Dù không ai muốn nghĩ đến kết cục xấu nhưng nhìn hiện trường vụ lở núi nơi đoàn cứu trợ nghỉ đêm, nhiều người nghĩ đến chuyện bộ đội lại hi sinh trong thời bình. Đau đớn lắm!
Cần có lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp
Thiên tai càng ngày càng trở nên khốc liệt, nhất là đối với Việt Nam – đất nước dài dằng dặc, một mặt hướng ra biển, một mặt tựa vào núi. Với địa hình như thế, hầu như năm nào nước ta cũng chịu bão gió, lũ lụt. Chúng ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để ứng phó có hiệu quả với thiên tai.
Ủy ban này là một tổ chức liên ngành. Lực lượng của Ủy ban này bao gồm nhiều thành phần, nhưng Quân đội đóng vai trò chủ lực. Nhân dân ta kính trọng, yêu thương, tin tưởng Quân đội nên sắc lính xuất hiện ở đâu là ở đó nhân dân yên tâm. Tham gia cứu hộ, cứu nạn đồng nghĩa với việc đối mặt với hiểm nguy, sẵn sàng đón nhận khó khăn, vất vả, hi sinh. Và như chúng ta thấy, trong thời gian qua, đã có nhiều chiến sĩ, sĩ quan hi sinh khi làm nhiệm vụ. Nhân dân và đất nước ghi nhớ công ơn các anh…
Song, đã tới lúc chúng ta nghĩ tới việc thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp. Đây sẽ là lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt để đương đầu với thiên tai. Họ phải có kỹ năng phán đoán và đối phó với các tình huống hiểm nghèo do thiên nhiên gây nên. Làm được điều này, chúng ta giảm được con số lực lượng vũ trang hi sinh trong hòa bình.