Trong những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng (trực thuộc Sở LĐTBXH) đã thực hiện tốt việc tổ chức quản lý, chữa trị, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, tạo việc làm, lao động trị liệu cho người nghiện ma túy, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Đẩy mạnh chữa trị với tư vấn, tuyên truyền và lao động trị liệu
Theo báo cáo, hiện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng đang tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho 151 học viên, trong đó có 138 học viên bắt buộc và 13 học viên tự nguyện. Các học viên vào cai nghiện ma túy đều được tiếp nhận, tổ chức phân loại và cắt cơn nghiện ma túy. Sau giai đoạn cắt cơn, phục hồi sức khỏe, học viên được tổ chức lên lớp truyền thông, tư vấn, tuyên truyền và lao động trị liệu theo các nội dung quy định.
Sau khi tiếp nhận vào cơ sở, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để tiến hành các bước điều trị phù hợp. Các diễn biến trong quá trình điều trị, thông tin về việc sử dụng thuốc đều được ghi rõ ràng trong bệnh án. Trong thời gian cắt cơn giải độc, các y bác sĩ thường xuyên thăm khám và theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của học viên 24/24 giờ. Đồng thời, đội ngũ quản lý tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục cho học viên các phép tắc cơ bản của cuộc sống, các chuẩn mực đạo đức truyền thống, các kỹ năng sống; giúp học viên thay đổi hành vi; hướng học viên tới các hoạt động tích cực; tạo cho học viên có thêm niềm tin, nghị lực và quyết tâm từ bỏ ma túy. Cơ sở cũng luôn bảo đảm an toàn về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng đối tượng đập phá, bỏ trốn, thẩm lậu ma túy.
Bên cạnh việc chữa trị và tư vấn, Cơ sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các học viên. Từ đầu năm đến nay, Cơ sở tổ chức lên lớp truyền thông được 31 buổi, 24 buổi sinh hoạt cuối tuần với các kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy, HIV/AIDS và cách phòng tránh; Luật Phòng chống ma túy; các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh mãn tính dễ mắc và lây nhiễm khi cơ thể suy nhược, nhất là do sử dụng ma túy. Trong các dịp lễ, tết, Cơ sở tổ chức tọa đàm, tạo sân chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để các học viên tham gia. Cùng với việc điều trị cắt cơn, các học viên cũng được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể trạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Đặc biệt, Cơ sở cũng rất chú trọng công tác dạy nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho các học viên. Hiện nay, Cơ sở đã và đang duy trì 1 lớp học viên tham gia lao động làm mi mắt giả, số học viên tham gia thường xuyên là 50 học viên; 1 tổ học viên lao động trị liệu trực sinh với 20 – 25 học viên; 1 tổ đội chăn nuôi, phục vụ nhà bếp. Ngoài ra, Cơ sở còn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa An lập danh sách 3 lớp cho học viên tham gia học nghề với các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa đầu nổ.
Trong năm 2020, Cơ sở phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức được 2 buổi giới thiệu việc làm cho học viên đang cai nghiện tại Cơ sở với 100% đối tượng tham gia; Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa An tổ chức mở 2 lớp học nghề sửa chữa máy nổ và trồng nấm cho 60 học viên tham gia.
Với quy trình chặt chẽ nêu trên, các học viên sau khi kết thúc thời gian cai nghiện tại cơ sở đều được giải quyết về tái hoà nhập cộng đồng, được gửi giấy chứng nhận, thông báo về địa phương và có sự bàn giao giữa Cơ sở và gia đình.
Một số khó khăn và định hướng
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do được đầu tư đã lâu nên đến nay Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng đã xuống cấp, chật hẹp, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý, sinh hoạt của đối tượng cai nghiện. Hiện đơn vị có 2 địa điểm làm việc: Cơ sở 1 được thiết kế xây dựng ban đầu từ năm 2000, trên diện tích 1,2ha, với quy mô 120 giường bệnh (hiện nay đang bố trí cho 150 người, trong đó có 100 học viên cai nghiện đã vượt quá lưu lượng cho phép). Cơ sở 2 với diện tích đất gần 40ha, theo đề án xây dựng quy mô giường bệnh là 500 giường, nhưng trong qua nhiều năm chưa được xây dựng hoàn thiện, hiện nay chỉ có 1 khu nhà ở lưu lượng chứa được 50 học viên sau giai đoạn cắt cơn ở Cơ sở 1 để trị liệu rèn luyện sức khỏe. Do thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa đủ điều kiện về phòng học, nhà xưởng, trang thiết bị, giáo viên nên việc tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên còn nhiều hạn chế. Bên cạnh một số hoạt động dạy nghề thì hoạt động trị liệu mới chỉ tổ chức trồng rau xanh, nuôi gia cầm với quy mô nhỏ lẻ để hỗ trợ cải thiện cho học viên.
Để khắc phục những khó khăn này, ngày 6/5/2020 UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 727/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Cao Bằng với tổng số vốn đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, gồm các hạng mục: xây dựng, cải tạo, nâng cấp bao gồm: nhà làm việc cán bộ quản lý; nhà điều trị cắt cơn; nhà điều trị cai nghiện; nhà bếp và các hạng mục khác như điện, nước, hàng rào, đường vào Trung tâm. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2021, Cơ sở sẽ có khả năng tiếp nhận, điều trị cai nghiện ma túy cho khoảng 150 – 200 đối tượng. Đây sẽ là tiền để để Cơ sở thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác cai nghiện ma túy, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Vân Anh/GĐTE