Với dân số trên 1,8 triệu người, trong đó nữ giới chiếm hơn 50%, là nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh Bắc Giang. Đối với lĩnh vực lao động và việc làm, Bắc Giang đã đặc biệt chú trọng giảm khoảng cách giới, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.
Một số kết quả tích cực
Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tại Bắc Giang, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới chiếm 52% trong tổng số người được tạo việc làm mới, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt khoảng 18%, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 26%, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt khoảng 80%, thì từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 22,2%, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới chiếm 52,9%, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100%.
Những kết quả tiến bộ trên đạt được là nhờ Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lao động, việc làm có liên quan trực tiếp đến các đối tượng nữ trong tỉnh; các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án tác động đến đời sống của phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong đó có lao động nữ như: Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch định kỳ tại các sàn giao dịch việc làm thuộc tỉnh; điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu; triển khai hỗ trợ người lao động tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; triển khai các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, tập trung vào khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghề, tập huấn khởi sự doanh nghiệp, nâng cao kiến thức kỹ năng quản lý, phát triển doanh nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ giấy phép kinh doanh… Duy trì hoạt động của các mô hình câu lạc bộ doanh nghiệp nữ; câu lạc bộ dịch vụ gia đình. Tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ cho phụ nữ tiếp cận được với các chương trình của nhà nước để thuận lợi vay vốn làm ăn, được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách và cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ được hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo,…
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Bắc Giang đã tạo việc làm cho khoảng 150 nghìn lao động, trong đó lao động nữ là 82 nghìn người; tuyển sinh và đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 161 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 50,5% năm 2015 lên 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% năm 2015 lên 46,5% năm 2020. Hàng năm, tổ chức triển khai cuộc điều tra cung lao động đối với toàn bộ các hộ gia đình và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 3,5% trong năm 2016 xuống còn 3,1% vào năm 2020; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng, năm 2016 có 157.270 lao động, ước năm 2020 tăng lên 257.000 lao động, tỷ lệ lao động của tỉnh làm việc trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản giảm mạnh từ 50,5% trong năm 2016 xuống còn 31,9% vào năm 2020 (giảm 18,6%); tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề”, dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn”…
Những khó khăn và giải pháp trong thời gian tới
Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan về dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nghèo ở nông thôn, lao động nữ người dân tộc thiểu số, nhưng Bắc Giang vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chặt chẽ, công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa thực sự gắn với giáo dục nghề nghiệp; Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH của các cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên; Việc chấp hành một số quy định về pháp luật lao động tại một số doanh nghiệp còn chưa thực sự nghiêm túc; Sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động còn hạn chế…
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng; Nghiên cứu xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp về đào tạo, giải quyết việc làm trong bối cảnh CMCN 4.0; Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của luật việc làm như hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động, phổ biến cung cấp thông tin thị trường lao động, chính sách tạo việc làm công…
Hy vọng, với những kết quả đã đạt được và các giải pháp tích cực trên, phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số Bắc Giang sẽ được đảm bảo việc làm, dần khẳng định vị trí và vai trò của mình trong xã hội, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách giới.