Đền Củi linh thiêng

Trong hàng ngàn ngôi đền ở miền Trung đất nước, Đền Củi hay còn gọi là “Đền ông Mười” rất linh thiêng. Ở đây, hầu như khi nào cũng đông người nhưng khá im ắng. Ở những nơi linh thiêng, người ta ít khi gây ồn ào.

Ngôi đền linh thiêng mà gần gũi

Từ quốc lộ 1A, men theo chân núi Ngũ Mã khoảng 300m, rồi lại theo mép sông thêm vài chục thước hay chạy từ cầu Bến Thủy theo đường quốc lộ 1A vào Nam khoảng 4km hoặc từ thị xã Hà Tĩnh ra Bắc khoảng 40km là đến đền thiêng – Đền Chợ Củi xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Đền Chợ Củi có tên chữ là Linh Thánh Mẫu hoặc Khu Độc Linh Từ, được tạo lập từ cuối thời Lê sơ, đã trải qua một vài lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét xưa, trang nghiêm, thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tâm thế của dân gian. Ngôi đền tọa lạc ở phía bắc nhóm núi Ngũ Mã, lưng tựa vào núi, ngoảnh mặt ra sông, hướng về phương Bắc. 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đền Củi luôn thu hút được được sự quan tâm của người dân và được giữ gìn, bảo vệ. Quanh năm không chỉ người xứ hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh mà khách thập phương hành hương về đây để vãn cảnh, hành lễ. Ông Nguyễn Sỹ Hóa – người thủ nhang nhà đền cho biết: “Đền Chợ Củi được Nhà nước công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993”.

Huyền thoại và hiện thực

Cũng cần phải nói thêm là có hai Đền ông Hoàng Mười. Đền thứ hai cách không xa đền thứ nhất, nằm phía Bắc sông Lam, tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Chúng tôi sẽ nói về ngôi đền này vào dịp khác). Điều muốn nói ở đây liên quan đến những huyền thoại được truyền tụng trong dân. Theo đó, ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân phù đời. Ở vùng Nghệ Tĩnh, ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh; làm quan đến chức Khâm Sai Tiết Chế Thủy Lục Chư Dinh Hộ Vệ Thượng Tướng Quân. Lại có một dị bản khác cho rằng, ông giáng xuống trần là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An. Điều quan trọng là khi làm quan, ông luôn chăm lo đến đời sống của nhân dân. Những lần cuồng phong làm đổ nhà cửa, ông sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, mở kho lương cứu tế. Trong một lần đi thuyền trên sông, phong ba nổi lên, nhấn chìm thuyền của ông; ông hóa ngay trên sông Lam. Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thi thể ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa như không, sắc mặt vẫn hồng hào, tươi tắn như người đang nằm ngủ; khi vào đến bờ, đột nhiên đất xung quanh nổi lên bao bọc thi hài ông. Nhân dân thấy vậy lập đền thờ ngay chỗ đó. Đây chính là vị trí Đền Củi hiện nay.

Xem thêm tin mới về  Xem VTV6 - kênh truyền hình được đón nhận hàng đầu tại Việt Nam

Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm ba tòa, mỗi tòa ba gian. Các tòa liên kết với nhau và bố trí thành các cung thờ. Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười rồi cung Trần Triều. Ở cung thờ ông Hoàng Mười có hai bức đại tự “Mẫu Đức Chiếu Ảnh” và “Huyền Từ Bố Chững” cùng câu đối: “Quá giả hóa tồn giả thần vị liệt Nam bang tứ bất/Quốc hữu từ gia hữu danh cao thiên bản lục kỳ” (tạm dịch: Cái đã qua là hóa, cái còn lại là thần, nước Nam có bốn vị bất tử/Nước có đền, nhà có miếu, trời cao vốn có lục kỳ).

Người dân truyền tụng đền thiêng, mọi người đến cầu nguyện thường được ông linh ứng phù hộ. Ngôi đền cổ và phong cảnh nên thơ tạo cho những người đến đây những giây phút thảnh thơi, tĩnh tại; hoặc phiêu du trong văn chầu và không khí  hư ảo chốn đền đài.

Tâm linh: Ngày thường và ngày hội

Lễ hội chính tại Đền Củi diễn ra vào ngày 10/10 Âm lịch hàng năm. Tục truyền, đây là ngày ông Hoàng Mười hóa. Từ những ngày đầu tháng 10, khách đến đông vô kể, mọi người về đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các Quan lớn, các Chầu, Đức Thánh Trần và nhất là được ông Hoàng Mười phù hộ độ trì. Sau Tết, Đền lại nhộn nhịp khách thập phương. Có những người ở xa như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Cao Bằng… đều về đây thánh kính dâng lễ cầu bình an, sức khỏe… Người ta đến vì cho rằng ngôi đền này rất linh thiêng.

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho du khách, trước những hội lễ lớn, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã chuẩn bị đầy đủ cho ngày lễ. Từ những đồ dâng lễ, ăn uống, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… đều tạo điều kiện tốt nhất cho du khách về với Đền. Hơn nữa, nhà đền còn mở cửa buổi đêm cho những đoàn khách ở xa để bái lễ. 

Xem thêm tin mới về  Kích hoạt Tài năng bán hàng

Bác Trần Hoàng Nam – một du khách ở Ninh Bình chia sẻ: “Dù bận rộn công việc, đường sá xa xôi, nhưng hằng năm, gia đình tôi vẫn sắp xếp để cố gắng đến với ngôi đền linh thiêng này”.  Không chỉ riêng gia đình bác, có những đoàn xe là anh em, họ hàng, bà con trong xóm cũng tổ chức đi để đến xin ơn và dành cho Đền Củi tấm lòng thành kính.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/