Một thống kê cho thấy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, hơn 70% tai nạn nhập viện về tai nạn giao thông do rượu bia, 48.000 người phải “ăn Tết” trong bệnh viện, trên 50% số vụ đánh nhau ẩu đả gây thương tích là do dùng rượu bia.
Khi chén rượu “làm đầu câu chuyện”
Dân gian nói, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nay hậu sinh đỡ lời bằng: “chén rượu là đầu câu chuyện”, tất nhiên không ai biết được rằng sẽ dừng lại ở một, hai, ba chén qua trưa… hay thâu đêm. Những cuộc gặp gỡ sau giờ làm việc của cánh mày râu, hiếm có cuộc nào thiếu rượu.
Những mảnh vỡ hạnh phúc gia đình liên quan không ít đến rượu. Tôi biết đôi vợ chồng người bạn khi họ chung trường ở Đại học Bách khoa. Ra trường lấy nhau, nhờ đôi bên nội ngoại họ có được chỗ ở, rồi mua được nhà riêng. Chị sinh con trai, anh lên phó phòng. Anh thích nấu ăn, mua sắm đồ cho hai mẹ con. Chị kể: Dù có bận gì, ngày nào anh cũng vội về nấu ăn dọn nhà chăm sóc con cùng vợ. Anh lên trưởng phòng, đi nhậu nhiều hơn, nhà giàu lên, nhưng anh cũng dần rời xa mái nhà êm ấm. Anh thường xuyên đi sớm về khuya, mang về nhà những cục cằn, chửi bới, rồi bạo lực, đập phá. Ngôi nhà bình yên giờ thành nơi đầy ải thể xác và tinh thần chị và con. Anh chị đã chia tay. Chị nghẹn ngào với tôi, sao bia rượu khiến người ta bất cần và hung hãn đến vậy được?!
Hàng xóm cũ của tôi là “truyền nhân của Lưu Linh”, 55 tuổi mà ông đã lọm khọm như người 70, ông hay khoe chiến tích của mình là đã nạp ước chừng 5.000 lít rượu sau 35 năm uống triền miên! Hình ảnh quen thuộc hàng ngày của ông hàng xóm là sáng lắc lư, trưa lảo đảo, chiều xiêu vẹo, tối co quắp. Ông trở thành nỗi ám ảnh với mọi người xung quanh, hai đứa con trưởng thành thuê nhà ở gần nơi làm việc, hàng xóm cũng ngần ngại mà tìm chỗ ở mới tránh “đệ tử Lưu Linh”, chỉ bà vợ đau khổ của ông là nhẫn nhục trong căn nhà luôn nồng nặc mùi rượu và tiếng chửi, tiếng đập phá của người chồng nát rượu.
Có gã bợm rượu được giám đốc tuyển về công ty chỉ vì “tài lẻ” này, nhiệm vụ chủ yếu của gã là đi tiếp khách cùng sếp để uống đỡ sếp những lúc đối tác người ta ép. Cả công ty bái phục “cánh tay phải” này của sếp, nhất là khoản uống. Có biết bao công ty tuyển những bợm rượu này làm cánh tay phải? Tôi đã từng chứng kiến những màn biểu diễn uống bia rượu có một không hai, có thể đưa vào sách kỷ lục. Hẳn nhiều người không tin vào mắt mình nếu được chứng kiến màn biểu diễn đổ 1 lúc 5 chai bia vào cái bình nhựa, thả vào vài cục đá, làm một hơi không sót một giọt. Nhớ lại năm nào, có hãng bia hơi nổi danh của nước Bỉ tại Hà Nội mở cuộc thi “uống liền một hơi hết một lít bia” nhưng gặp nhiều thí sinh kiểu này quá, hãng bia sợ lỗ nên không dám tổ chức cuộc thi năm tiếp theo!
Những hệ luỵ
Mấy năm gần đây, Việt Nam luôn được thăng hạng về tăng trưởng tiêu thụ bia rượu. Việt Nam là thị trường hấp dẫn với các công ty đa quốc gia sản xuất bia rượu. Mối nguy hại do sử dụng quá nhiều bia rượu đã được cảnh báo. Nhưng chất lượng cũng đáng lo ngại, riêng việc nấu rượu, hiện nay có rất ít nơi còn sản xuất truyền thống theo kiểu chưng cất mà sử dụng cồn công nghiệp, họ mua men Trung Quốc trôi nổi và tràn lan về ngâm với gạo sống hai ngày là thành rượu. Có nơi ở phía Nam, người ta còn đổ cồn vào nước, phơi dưới nắng vài tiếng đã thành thứ có thể gọi là rượu.
Đỉnh điểm của hệ luỵ bia rượu thường được thống kê vào dịp lễ hội, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền. Biết bao nhiêu người phải vào viện ngày Tết do sử dụng bia rượu gây tai nạn giao thông, ẩu đả và ngộ độc. Vì người thân mà bao nhiêu gia đình phải ăn Tết trong bệnh viện, nhiều người vĩnh viễn mất đi mạng sống trong ngày đầu năm mới chỉ vì quá chén.
Bước trượt dài từ uống chút ít cho vui đến say chỉ trong một khoảnh khắc. Con số ngộ độc rượu chiếm gần 23% các loại ngộ độc, 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu, 40% các vụ tai nạn giao thông với khoảng 11% tử vong có liên quan đến bia rượu, gây nên một gánh nặng đến sức khoẻ giống nòi, an ninh trật tự và hạnh phúc gia đình.
Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/