Ca Covid-19 toàn cầu vượt 62 triệu, Mỹ cảnh báo hậu quả thảm khốc

Hơn 62 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu, trong đó gần 1,5 triệu người chết, Mỹ dự báo làn sóng nhập viện mới vì hoạt động tụ tập trong Lễ Tạ ơn.

Thế giới ghi nhận 62.543.009 ca nhiễm và 1.457.367 người đã tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 634.964 và 10.209 ca chỉ trong một ngày, 43.161.704 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.


Nhân viên y tế đưa thi thể người chết vì nCoV ra khỏi container đông lạnh ở El Paso, Texas, Mỹ, ngày 16/11. Ảnh: Reuters.


Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 138.064 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca lên 13.605.048, trong đó 272.247 người đã chết. Khoảng 90.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện ngày 27/11, tăng gấp đôi so với tháng trước.

Tiến sĩ Celine Gounder, thành viên nhóm cố vấn chống Covid-19 của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự đoán số ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới, sau khi hàng triệu người Mỹ tăng cường đi lại, tụ tập trong Lễ Tạ ơn.

“Rất nhiều người nghỉ Lễ Tạ ơn với gia đình, bạn bè sẽ nhận ra mình phải nhập viện điều trị tích cực trong Giáng sinh và Năm mới”, Gounder nói.



Một số bang và thành phố của Mỹ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn nCoV lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 39.567 ca nhiễm và 369 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.390.791 và 136.705.

Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố New Delhi, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Giới chức New Delhi tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 467 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 172.561. Số người nhiễm nCoV tăng 51.922 trong 24 giờ qua, lên 6.290.272.

Nhiều địa phương tại Brazil phong tỏa từ khi nCoV xuất hiện hồi tháng 2, song cuộc sống tại những thành phố lớn đã gần trở lại bình thường giống trước đại dịch trong những tuần qua. Dân chúng đổ tới các quán bar, nhà hàng và cửa hàng, nhiều người không đeo khẩu trang.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ không tiêm vaccine Covid-19, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhiều người ủng hộ ông cũng làm điều tương tự, khiến Brazil không đủ tỷ lệ dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.

Châu Âu đối mặt với đợt bùng phát mới sau mùa hè, khiến nhiều quốc gia tại đây phải tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này dường như có tác dụng trong vài ngày qua, khi ca nhiễm mới tại một số vùng dịch lớn bắt đầu giảm. Nhiều quốc gia đang nới dần biện pháp hạn chế khi mùa Giáng sinh đang đến gần.

Pháp, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.208.699 ca nhiễm và 52.127 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 12.580 ca nhiễm và 213 ca tử vong. “Đỉnh của làn sóng thứ hai đã qua”, Tổng thống Emmanuel Macron nói hôm 24/11, nhưng nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Macron thông báo cửa hàng được mở cửa từ 28/11 và sẽ dỡ lệnh yêu cầu người dân ở nhà toàn quốc từ ngày 15/12 nếu ca nhiễm mới hàng ở mức dưới 5.000. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn được giữ nguyên và chỉ được nới lỏng vào dịp Giáng sinh, từ ngày 24-31/12.

Anh báo cáo thêm 15.871 ca nhiễm và 479 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.605.172 và 58.030. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.

Giới chức Anh dự kiến dỡ bỏ toàn bộ hạn chế đi lại trong dịp Giáng sinh. Hạn chế về tụ tập xã hội cũng dự kiến được nới lỏng trong dịp này để cho phép tối đa ba hộ gia đình đón kỳ nghỉ lễ cùng nhau. Tuy nhiên, chính phủ Anh cho biết hơn 23 triệu người sẽ phải chịu những hạn chế chặt chẽ nhất trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc chấm dứt ngày 2/12.

Đức ghi nhận 14.645 ca nhiễm và 205 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.001.970 và 16.377. Giới chức Đức nhận định số ca nhiễm hàng ngày còn ở mức cao và lo ngại tình trạng quá tải tại các khu điều trị tích cực của nhiều bệnh viện.

Do lo ngại những người châu Âu sẽ băng qua biên giới đến các ngọn núi để trượt tuyết, Đức đã yêu cầu các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa các khu trượt tuyết cho đến tháng 1/2021.

Dân Đức không bị giới hạn trong nhà từ 2/11 đến 20/12, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Thủ tướng Angela Merkel thông báo siết chặt quy định về khẩu trang, bắt buộc dân chúng đeo khẩu trang ở tất cả khu vực có lưu lượng người đi bộ qua lại cao cùng trung tâm các thành phố.

16 bang ở Đức dự kiến nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh từ 23/12 đến 1/1/2021, cho phép tụ tập tối đa 10 người để gia đình và bạn bè có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng nhau.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 thế giới, ghi nhận thêm 27.100 ca nhiễm nCoV và 510 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.242.633 và 39.068.

Điện Kremlin cho biết hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn, nhưng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát ngoại trừ một số khu vực. Nga không áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tập trung vào các biện pháp hạn chế theo từng khu vực.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 21/11 cho biết Nga sẵn sàng phân phối vaccine Sputnik V cho các nước khác. Theo phân tích lần thứ hai về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, Sputnik V đã đạt hiệu quả 95%.

Các nhà phát triển cho biết vaccine hai liều Sputnik V dự kiến có giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế và miễn phí cho công dân Nga. Nhiệt độ bảo quản vaccine là 2-8 độ C, cao hơn so với một số loại vaccine khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thông báo quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hàng loạt với mục tiêu tiêm vaccine cho 400.000 quân nhân.

Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 47.486 người chết, tăng 391, trong tổng số 935.799 ca nhiễm, tăng 13.402. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.

Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, Iran áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức “đỏ”.

Ô tô sẽ không được phép rời khỏi hoặc đi vào các thành phố “đỏ” và các quy định hạn chế lái xe khác sẽ được áp dụng nhằm khuyến khích mọi người ở nhà. Các hạn chế nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho các khu vực “cam” và “vàng” có rủi ro thấp hơn. Truyền thông nhà nước cho biết các hạn chế sẽ kéo dài ít nhất hai tuần.

Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ tháng ba, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lớn thứ ba. Nước này báo cáo thêm 488 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 33.375, trong đó 522 trường hợp tử vong, tăng 6 ca.

Hàn Quốc hôm 19/11 thắt chặt các hướng dẫn ngăn chặn Covid-19 trước thềm kỳ thi tuyển sinh đại học dự kiến diễn ra vào ngày 3/12. Quán bar, câu lạc bộ đêm, các cơ sở tôn giáo và sự kiện thể thao vẫn được phép hoạt động nhưng phải giới hạn lượng người tham dự.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 527.999 ca nhiễm, tăng 5.418, trong đó 16.646 người chết, tăng 125.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.

Philippines báo cáo 427.797 ca nhiễm và 8.333 ca tử vong, tăng lần lượt 1.893 và 79 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.

Tình hình dịch tại Philippines gần đây được cải thiện. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 21/11 chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài, mở đường cho y tá nước này nhận việc ở nước ngoài. Năm 2019, gần 17.000 y tá Philippines đã ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế nhằm tiếp tục chiến đấu với đại dịch, chỉ 5.000 nhân viên y tế được phép rời đi trong năm.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO ngày 27/11 nói rằng ngay cả khi các quốc gia ghi nhận ca Covid-19 mới giảm, họ vẫn cần phải cảnh giác. “Điều chúng tôi không muốn thấy là tình huống mà các bạn chuyển từ trạng thái phong tỏa để kiểm soát virus rồi lại phải tiến hành một đợt phong tỏa khác”, Kerkhove nói.

Xem thêm tin mới về  "Siêu bão mạnh cấp 17 sắp vào miền Trung" là thông tin giả mạo

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/