Xóa bỏ bạo lực – Tích cực yêu thương

“Xóa bỏ bạo lực – Tích cực yêu thương” là thông điệp xuyên suốt của Dự án “Be Friend” do Tổ chức phi chính phủ Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam thực hiện từ tháng 2/2019 tại 9 trường THCS trên địa bàn Hà Nội. Mới đây, lễ tổng kết dự án đã được tổ chức tại Trường THCS trường Marie Curie (Hà Nội) với sự tham gia của đại diện học sinh 9 trường thí điểm, và đặc biệt là đại sứ dự án NSƯT Xuân Bắc.

 Những con số biết nói

Với quan điểm tiếp cận: Phát huy giá trị tốt đẹp về tình bạn, tình yêu thương để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường, sau 9 tháng hoạt động, dự án “Be Friend” đã gây ấn tượng khi đưa ra những kết quả tích cực.

Trong khuôn khổ sự kiện đã có hơn 900 câu chuyện thể hiện quan điểm về bạo lực học đường được gửi về Ban tổ chức cuộc thi “Nhà viết kịch tài năng”. Đây được đánh giá là nguồn nguyên liệu phong phú để Ban tổ chức xây dựng chương trình kịch ứng tác về phòng ngừa bạo lực học đường, trong đó, có ít nhất 8.000 bạn học sinh được hưởng lợi. 

Bên cạnh đó, có gần 300 lá thư từ các bạn nhỏ gửi đến “Hòm thư yêu thương”. Các lá thư này đem về sự giải đáp, hỗ trợ tâm lý cho các bạn học sinh; đồng thời, chúng cũng được phân loại, chọn lọc để sử dụng trong các hoạt động truyền thông. Cùng với đó, hơn 300 tác phẩm tranh, ảnh, áp phích, video gửi về cho cuộc thi “Thiết kế sản phẩm truyền thông: Yêu thương đẩy lùi bạo lực học đường”. Điều này cho thấy các bạn học sinh rất quan tâm tới vấn đề bạo lực học đường.

Từng được tham gia tham gia hoạt động ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường qua loại hình kịch tương tác, Minh Hải (học sinh lớp 5M1, trường Marie Curie) cho biết, chuỗi tiểu phẩm “Be friend” đã giúp các em hiểu hơn về bạo lực học đường và cách phòng chống. Hải đặc biệt ấn tượng vơi bốn thông điệp của vở kịch: Cương quyết TỪ CHỐI BẠO LỰC từ sớm, bạo lực KHÔNG LÀM bạn mạnh hơn, HÃY LÊN TIẾNG để chấm dứt bạo lực và “Be friend” – làm bạn. “Em thấy yên tâm hơn khi giờ đây, bản thân có thể ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường bằng cách áp dụng những điều đã được học”, Hải tâm sự.

Xem thêm tin mới về  Loạt bài: Phòng ngừa lao động trẻ em: Cần những chính sách đồng bộ

Cô Minh Hằng (GVCN 5M1) cho biết, qua các buổi trải nghiệm, không chỉ học sinh được thể hiện quan điểm cá nhân, hiểu hơn về vấn nạn bạo lực học đường mà còn giúp chính cô hiểu học sinh hơn. Cô biết thêm rằng, khi rơi vào những tình huống ấy, học trò sẽ xử sự ra sao để từ đó đưa ra những điều chỉnh và định hướng đúng đắn.

Trở thành bạn bè là giải pháp tối ưu để phòng chống bạo lực học đường

Bạo lực học đường (BLHĐ) là một hiện tượng xã hội được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam và trên thế giới trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2015, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương 5 vụ/ngày và trở thành vấn đề đáng báo động ở nước ta. Mặc dù chính phủ và nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách nhằm bảo vệ trẻ em nhưng BLHĐ vẫn diễn ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, điển hình như các vụ được đăng hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. 

Thực tế cho thấy, hầu hết bạn trẻ có nhận thức mơ hồ về BLHĐ. Đa số chỉ hiểu BLHĐ là gây gổ đánh nhau giữa các bạn học sinh mà chưa nhận thức được rằng, nó bao gồm những hành vi bạo lực về mặt thể chất, tinh thần, tình dục và các hành vi bắt nạt khác. Một số ít trẻ đã tìm hiểu thì chưa có giải pháp để ngăn chặn BLHĐ xảy ra với chính mình hoặc những người xung quanh.

Để góp phần giảm thiểu các hành vi BLHĐ đang diễn ra trong nhà trường, tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã triển khai dự án: “Phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” với tên gọi “Be friend”. Dự án được triển khai nhằm giúp trẻ hiểu và biết rõ cách đối phó với BLHĐ.

Xem thêm tin mới về  Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội): Đầu tư cho một tương lai vững chắc

Chị Đỗ Trang – Trưởng nhóm giáo dục và bảo vệ trẻ em của Dự án cho biết: “Be friend” là thông điệp, là phương pháp tiếp cận để xây dựng giá trị tình bạn, tình yêu thương, kết nối. Chỉ có tình người mới đẩy lùi vấn nạn bạo lực đang tồn tại. “Be friend” là bạn, là người hiểu và có thể đồng cảm với ta, dành cho ta những tình cảm quý trọng xuất phát từ sự cảm mến, sự tôn trọng và tình yêu thương. Việc gọi tắt dự án “Phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” bằng cụm từ “Be friend” mang thông điệp rõ ràng rằng: “Trở thành bạn bè là giải pháp tối ưu để phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”

Dự án “Phòng ngừa Bạo lực học đường – Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” mong muốn chính các em học sinh sẽ đóng vai trò nòng cốt, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xây dựng nên những ngôi trường an toàn – nơi kết nối tình bạn và đẩy lùi mọi hành vi bạo lực. 

Hy vọng trong một tương lai không xa thông điệp “Be Friend” sẽ là một từ khóa nổi bật trong cộng đồng và các trường học. Đây không chỉ là một thông điệp sáo rỗng, GNI tin rằng thông điệp này sẽ thực sự trở thành những hành động cụ thể, là biểu hiện của sự gắn kết tập thể của các em học sinh dù là tập thể nhỏ nhất: Tình bạn.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/