Yếu tố di truyền từ cha mẹ là một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ, bên cạnh những bệnh lý về đường tiết niệu và thần kinh.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Huỳnh Tiến Đạt, Trung tâm Tiết niệu thận học – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, đái dầm được định nghĩa là tình trạng trẻ đào thải nước tiểu có chủ ý, hoặc không có chủ ý trong lúc ngủ. Ước tính, 7% trẻ trai và 3% trẻ gái bị đái dầm ở tuổi lên 5. Tỷ lệ này giảm xuống khi trẻ được 10 tuổi. Tuy nhiên, đái dầm vẫn có thể xuất hiện ở người trưởng thành với tỷ lệ khoảng 1%. Đái dầm có ở cả hai giới, nhưng phổ biến ở bé trai hơn.
Đái dầm ở trẻ em thường vào ban đêm, nhưng trong nhiều trường hợp cũng xuất hiện khi trẻ ngủ ban ngày. Một số trường hợp trẻ bị đái dầm kết hợp cả hai thời điểm. Tình trạng này thường không được chẩn đoán, trừ khi trẻ đủ 5 tuổi. Biểu hiện trẻ bị đái dầm là làm ướt quần áo và giường nhiều lần với tần suất tốt thiểu 2 lần/tuần và kéo dài trong khoảng 3 tháng. Đái dầm có thể chia thành 2 loại nguyên phát và thứ phát. Đái dầm nguyên phát được hiểu là tình trạng trẻ đái dầm trong 6 tháng liên tục. Đái dầm thứ phát là khi trẻ đã ngừng đái dầm 6 tháng và tái phát.
Sự phát triển của chứng đái dầm có liên quan đến nhiều yếu tố. Trong đó, sinh lý bệnh hướng đến tình trạng trẻ không có khả năng thức dậy trong lúc ngủ khi bàng quang căng đầy, phối hợp với việc nước tiểu sản xuất nhiều vào ban đêm và giảm khả năng hoạt động của bàng quang. Do đó, các chuyên gia tiết niệu cho rằng, nguyên nhân khiến trẻ đái dầm là do kích thước bàng quang của trẻ còn nhỏ, không thể chứa được nhiều nước tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu dai dẳng cũng là nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ. Trẻ bị chậm phát triển cũng cản trở quá trình tập đi vệ sinh đúng. Bên cạnh đó, đái dầm còn liên quan đến yếu tố tâm lý, thần kinh. Trẻ đái dầm khi bị căng thẳng nghiêm trọng dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần, bao gồm rối loạn hành vi và rối loạn cảm xúc. Một nguyên nhân khác là do yếu tố di truyền. Trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị đái dầm, đặc biệt là người cha, sẽ có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn. Các yếu tố nguy cơ gây đái dầm còn bao gồm di truyền và các bệnh lý ở bộ phận sinh dục, trực tràng như dị tật hệ sinh dục, táo bón.
Bác sĩ Tiến Đạt cho hay, những trẻ mắc chứng đái dầm thường ngủ nhiều, khó đánh thức khi đang ngủ hoặc đi tiểu không sạch khiến cho nước tiểu đọng lại trong bàng quang.
Để chẩn đoán chứng đái dầm ở trẻ, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử, khám sức khỏe đường tiết niệu để loại trừ nguyên nhân tiểu không kiểm soát. Đồng thời, trẻ có thể được chỉ định xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ đường, kích thích tố và chức năng thận. Đái dầm có thể do tác dụng phụ của thuốc, nên bác sĩ cũng phối hợp kiểm tra các loại thuốc trẻ đang dùng.
Theo bác sĩ Tiến Đạt, đái dầm có thể không cần điều trị. Nhiều trường hợp trẻ bị đái dầm nhẹ sẽ tự khỏi khi bước vào tuổi thiếu niên. Do đó, trước tiên phụ huynh sẽ được hướng dẫn liệu pháp thay đổi hành vi. Cụ thể như cho trẻ uống ít nước trước khi ngủ, sử dụng báo thức để nhắc trẻ đi vệ sinh, thực hiện các bài tập kéo dài khả năng giữ nước tiểu của bàng quang… Các biện pháp này được chứng minh là có thể mang đến hiệu quả cho hơn 75% bệnh nhân.
Trong trường hợp liệu pháp thay đổi hành vi không hiệu quả, bệnh nhi có thể được chỉ định dùng các loại thuốc giúp thận giảm đào thải nước tiểu như desmopressin, thuốc chống trầm cảm imipramine… Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi tình trạng đái dầm có ảnh hưởng đến sinh hoạt và trẻ đủ 6 tuổi.
Việc dùng thuốc và các liệu pháp tâm lý cần được áp dụng đồng thời để mang đến hiệu quả cao nhất. Bởi rất nhiều trường hợp ngừng thuốc, tình trạng đái dầm sẽ quay trở lại. Do đó, bác sĩ Tiến Đạt khuyến khích phụ huynh nên ưu tiên liệu pháp thay đổi hành vi và chú ý biểu hiện đái dầm của trẻ để điều trị sớm. Một trong những dấu hiệu quyết định thời điểm cần phải đưa trẻ đến bệnh viện là khi đái dầm ảnh hưởng đến hoạt động, tinh thần, khiến trẻ tự ti trước bạn bè hoặc không thể tham gia các hoạt động cộng đồng.
Hân Thái
Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/