Các chuyên gia về sinh sản trên thế giới cảnh báo nếu không giải quyết các hóa chất độc hại, 25 năm nữa một nửa đàn ông sẽ vô sinh.
Shanna Swan, giáo sư tại Trung tâm Y tế Mount Sinai, New York, một trong những nhà dịch tễ về môi trường và sinh sản hàng đầu thế giới, nhận xét: “Mọi người thường bàn tán về huyết áp, cholesterol hoặc đường huyết, nhưng chẳng ai nói về số lượng tinh trùng. Tôi muốn thấy công chúng thảo luận nhiều hơn về sức khỏe sinh sản, nâng cao nhận thức, cũng như từ bỏ mặc cảm và tự ti về vấn đề sảy thai ở nữ giới và thiếu hụt tinh trùng ở nam giới“.
Điều này rất quan trọng vì khả năng sinh sản đang giảm sút không phanh và ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. “Đàn ông vô sinh có tỷ lệ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư cao hơn và tuổi thọ thấp hơn”, giáo sư cho biết.
Theo bà Swan, nguyên nhân rất đơn giản. Chúng ta hiện tiếp xúc với nhiều chất hóa học, gây rối loạn nội tiết tố, làm giảm hormone sinh dục oestrogen và testosterone. “Những chất này thậm chí còn được tìm thấy ở vực Marianas (nơi sâu nhất thế giới) và gấu Bắc cực. Nói cách khác, chúng có ở khắp mọi nơi”, Swan nói.
Có hai chất chính. Đầu tiên là phthalate, có khả năng làm cho nhựa cứng trở nên mềm mại, xuất hiện trong tấm lót sàn PVC, rèm phòng tắm cho đến bao bì thực phẩm và mỹ phẩm. Chất thứ hai là bisphenol A, được sử dụng để tạo độ cứng cho nhựa, làm hộp đựng thực phẩm, thiết bị y tế và máy tính.
Sự bùng nổ của khoa học sau Thế chiến thứ hai là một thành công lớn nhưng con người không kiểm soát được những mặt trái của nó. “Nhiều sản phẩm của khoa học vô cùng hữu ích, nhưng chẳng mấy ai nhận ra tác hại của chúng”, Swan cho hay.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ, nơi chỉ cấm sử dụng 13 hóa chất gây rối loạn nội tiết trong mỹ phẩm và các sản phẩm khác. Tại châu Âu, số lượng hóa chất bị cấm nhiều gấp 100 lần. Vậy chỉ cần loại bỏ các hóa chất có hại hoặc tránh các vật dụng mang rủi ro là xong? Đáng tiếc, giải pháp không đơn giản như vậy.
Elizabeth Salter Green, Giám đốc CHEM Trust, một tổ chức chống hóa chất, lấy ví dụ về chất chống cháy polybromated. Bà cho rằng chất này giúp bảo vệ tính mạng con người, nhưng lại chứa hóa chất độc hại khủng khiếp. “Chúng có trong thứ bạn đưa lên tóc hoặc mặt, thậm chí còn có trong ga giường”, Green nói.
Tuy nhiên, ngay cả khi ngưng sử dụng tất cả những đồ vật chứa hóa chất đó, bạn không thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức. Giáo sư Swan nhận xét: “Nếu bạn đã nhiễm những chất này, không có thuốc giải cho bạn đâu. Không có cách nào để loại bỏ chúng cả”. Nếu phthalate có trong cơ thể của bố mẹ, con sinh ra sẽ bị ảnh hưởng. Những bà mẹ tiếp xúc với phthalate sẽ sinh con trai có dương vật nhỏ hơn và số lượng tinh trùng thấp hơn.
Swan cho biết: “Phôi thai đang phát triển cực kỳ nhạy cảm với các chất hóa học và có thể thay đổi nhanh chóng, dù chỉ tiếp xúc với liều lượng nhỏ. Sự biến đổi này để lại hệ quả vĩnh viễn”. Ngoài hệ sinh sản, hệ thần kinh và các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng. “Hậu quả không thể sửa chữa được bằng cách như hạn chế thuốc lá hay ăn kiêng. Thế hệ cháu chắt cũng chịu tác động”, Swan cảnh báo.
Mặt khác, một số nhà khoa học cho rằng số lượng tinh trùng giảm cho thấy năng lực xét nghiệm đã được nâng cao, chẳng hạn như số ca mắc Covid-19 tăng lên do xét nghiệm được đẩy mạnh. Allan Pacey từ Đại học Sheffield cho biết: “Tôi nhìn được mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các chất hóa học và các vấn đề sức khỏe, nhưng chưa phát hiện bằng chứng thuyết phục. Quá trình trở thành nhà khoa học dạy tôi phải biết phản biện và hoài nghi. Tôi quan niệm rằng tuyên bố đặc biệt cần bằng chứng xứng tầm. Trong vấn đề này, tôi chưa thấy có chứng cứ nào đáp ứng tiêu chí đó”.
Những nơi khác nhau có mức sinh khác nhau. Trung bình, mỗi phụ nữ cần sinh 2,2 con để bù vào mức tử. Nhưng tại phần lớn quốc gia phát triển, mức sinh nhỏ hơn 2,2. “Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp không phải là ô nhiễm, mà là do giáo dục, kinh tế, bản chất của các mối quan hệ hiện đại và việc sinh con muộn, khiến tỷ lệ sinh suy giảm”.
Trong khi đó, Swan dự báo rằng nếu không hành động, một nửa đàn ông sẽ không có tinh trùng trong 25 năm tới. Green cho biết số ca ung thư vú cũng đang tăng lên do ăn uống hoặc tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường.
Tuy nhiên, bà Swan không nghĩ thế giới sẽ diệt vong. “Tôi nghĩ chúng ta thông minh hơn thế. Con người chẳng phải đã làm được những điều không tưởng hay sao?”, giáo sư chia sẻ. Giải pháp là thay thế những chất hóa học sử dụng hàng ngày bằng những thứ vô hại. Theo thí nghiệm trên chuột của Đại học Washington, loại bỏ các hóa chất gây hại sẽ tăng lượng tinh trùng, giảm số ca sẩy thai trong ba thế hệ.
Giáo sư Swan cho rằng, trong lúc đó, chúng ta cần giải quyết sự chênh lệch giàu nghèo. Người giàu có thể thụ tinh trong ống nghiệm và tránh những sản phẩm rẻ, đại trà, chứa những chất có hại, còn người nghèo hơn lại không được may mắn như vậy. “Tương tự như việc cung cấp vaccine, chúng ta cần đảm bảo những sản phẩm an toàn cho sức khỏe sẽ được phân phối công bằng”, bà nhận định.
Theo Mai Dung (Vnexpress.net/Telegraph)