Cho vay thông qua ứng dụng trực tuyến đang lan nhanh dù lãi suất cộng phí có thể lên đến 1.400% một năm, gấp 70 lần so với quy định.
Thông tin trên được Trung tá Ngô Hồng Vương – Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự cho biết tại hội nghị về mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen ngày 17/10.
“Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính và thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản. Theo ông Vương, có thể nhận diện hoạt động này bằng hai đặc trưng cơ bản.
Thứ nhất, lãi suất cho vay vượt mức trần theo pháp luật quy định là 20%. Lãi suất phổ biến của hoạt động này dao động 300-700% một năm. Gần đây, nhiều đối tượng ứng dụng công nghệ thông tin để cho vay với lãi suất trên 100% một năm, nhưng khi thêm các khoản phí khác, tổng cộng lên đến 1.400% một năm.
Thứ hai, quá trình thu hồi nợ thường gắn với các hành vi trái luật như bắt giữ nguời, hủy hoại tài sản, gọi điện hoặc nhắn tin đe doạ, đổ chất bẩn, chất thải trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật…
Ông Vương nhận định, hoạt động “tín dụng đen” phần lớn gắn với tội phạm có tổ chức. Các chủ nợ thường thuê đối tượng xăm trổ, có tiền án tiền sự hoặc các công ty đòi nợ theo kiểu xã hội đen để tạo áp lực cho người vay. Đối với các ứng dụng trực tuyến, người vay được yêu cầu cho chủ nợ truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh chứng minh nhân dân… để khi chậm trả lãi thì chuyển sang quấy rối người thân.
“Các đối tượng còn được tư vấn bởi đội ngũ luật sự riêng nhằm thực hiện các biện pháp đòi nợ phản cảm nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu xử lý hành chính thì chế tài không đủ sức răng đe”, ông Vương nói.
Đồng quan điểm, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” còn vướng mắc và khó khăn trong việc áp dụng. Để hạn chế sự phổ biến của hoạt động này, ngành ngân hàng phải chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân.
Ông Tú dẫn chứng, đến cuối tháng 9, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá. Riêng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái và chiếm xấp xỉ 25% tổng dư nợ tín dụng.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng để xử lý triệt để hoạt động này thì ngành ngân hàng không thể “đơn thương độc mã” mà cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành lẫn địa phương.
Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/