Đừng miệt thị người nghiện đã chết

Nếu trong nhà bạn không may có một người nghiện, bạn sẽ phải hứng chịu sự coi thường, miệt thị của bạn bè, hàng xóm, thậm chí là của cả một cộng đồng dân cư. Điều này có công bằng và nhân văn?!

Chết rồi vẫn mang tiếng xấu

Tôi có người em họ, con nhà cậu mợ đằng ngoại, hơn mấy tuổi, tên Tuấn Anh, nhưng mọi người thường gọi là Tồ. Tôi còn nhớ có lần cuốn chả nem giúp mợ tôi, Tồ thay vì đập trứng vào thành bát, thì đập vào thớt, trứng rớt hết ra ngoài. Quả thật, tôi chưa từng thấy ai ngốc như Tồ. Tồ học rất dở nhưng đẹp trai, hiền lành và ít nói. Tồ chỉ học hết cấp 3 thì nghỉ. Cậu tôi sửa máy móc, đồ điện tử ở nhà, việc chả có mấy. Mợ tôi bán hàng xén ở chợ Cát Bi (Hải Phòng), nguồn thu nhập chính của cả gia đình với ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đều trong chờ vào đây. Tồ cứ quanh quẩn trong cái ngõ chợ, theo đám bạn lêu lổng, không công ăn việc làm. Cậu mợ tôi lo lắng, bèn gửi Tồ theo một người cậu họ vào Sài Gòn làm ăn.

Thời gian đầu vô Nam, thấy Tồ béo trắng, hay chuyện hơn trước, ai cũng mừng. Vậy mà, chỉ được vài năm, Tồ về Hải Phòng. Họ hàng, bạn bè, không ai nhận ra Tồ, thân cậu gầy như xác ve, nét mặt già nua, ủ rũ. Tôi nghe phong phanh họ bảo, Tồ nhà tôi nghiện ma túy. Cậu mơ tôi thường lảng tránh mỗi khi nhắc đến em (có thể là do xấu hổ). Họ hàng cũng hiếm khi nhắc đến Tồ. Bạn bè, hàng xóm – người ta biết Tồ nghiện, liền xa lánh. Ma túy như thế một thứ dịch hạch mà chẳng ai muốn dây vào. Chỉ có đám bạn xấu trong ngõ chợ là dang tay chào đón Tồ trở về chốn cũ.

Không lâu sau đó, đang học ở trên Hà Nội, tôi nghe tin Tồ đã mất vì shock thuốc trong một lần chích nghiện. Chả hiểu sao, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Tồ cười bẽn lẽn, hiền lành bên những quả trứng làm nem rán.

Tồ chết rồi, chỉ có gia đình là đau xót, đám bạn xấu chả thấy mặt mũi đâu. Cậu mợ tôi hầu như chả bao giờ nhắc tới tên cậu con trai cả đã chết vì shock thuốc. Cứ như thể, Tồ chưa từng tồn tại trên cõi đời này. Cậu đã biến mất, không dấu vết. Ngược lại, hàng xóm, láng giềng, miệng lưỡi người đời thì vẫn nhắc đến Tồ như một tấm gương xấu điển hình về lối sống ăn chơi, truỵ lạc và cái chết trắng ê chề.

Một người hiền lành như em họ tôi, thật không ngờ lại bị ma túy cám dỗ để rồi ra đi khi mới ngoài 20.

Tồ đã sai, cậu đã lầm đường lạc lối khi để ma túy dẫn đường. Và cậu đã phải trả giá cho sai lầm đó bằng chính tính mạng mình. Cậu đã chết, nhưng người đời vẫn không ngừng “ném đá” lên bia mộ cậu. Tôi thấy lòng thật xót xa. Cuộc đời này, ai bảo chết là hết. Đúng là “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Xem thêm tin mới về  Cần xem lại chất lượng cán bộ Ngành Tư pháp




Ảnh minh họa

Hãy để họ được ra đi thanh thản

Hiếm có nơi nào như Hải Phòng quê tôi, ra ngõ là gặp nghiện. Không thể biết chính xác, xóm tôi có bao nhiêu người nghiện, nhưng việc nhìn thấy kim tiêm vứt bên bãi cỏ ven đường hoặc phía cuối ngõ là chuyện không có gì lạ. Tôi đã từng nhìn thấy người nghiện chích thuốc trong ngõ nhà mình và trong ngõ nhà cô bạn cùng lớp.

Có thời gian, gia đình tôi cảm thấy cuộc sống vô cùng bất an khi liên tục bị nghiện trong xóm và từ các xóm lân cận sang ăn cắp đồ. Sểnh cái quên không đóng cổng chạy sang nhà hàng xóm buôn dưa lê một tí, về nhà đã thấy mất cái nồi cơm điện hay cái điều khiển tivi. Rồi nhà mất xe đạp, nhà mất gà, nhà mất cái mâm, rổ bát phơi ở ngoài sân…, đến cái cánh cổng sắt nhà tôi nặng là thế mà đêm tối, nghiện cũng đến bê đi mất. Bố tôi cứ làu bàu: “Tưởng nghiện nó gầyyếu, sao nó bê được cả cánh cổng sắt to nhà mình nhỉ!?”.

Không như trộm cắp thông thường, chỉ lấy những đồ giá trị, dân nghiện hút một khi đã lên cơn, thèm thuốc mà không có tiền thì cái gỉ, cái gi miễn bán được tiền chúng đều lấy. Người dân ghét người nghiện cũng một phần vì bị trộm cắp, mất đồ.

Tôi thật không ngờ, trong đội quân trộm cắp ở xóm lại có cậu bạn thân ngày nào cùng tham gia. Cậu bạn tôi nghiện hút. Giống như em họ tôi, cậu nghiện hút khi còn rất trẻ, lúc mới 18-20.

Và bây giờ, cậu cũng đã rời bỏ thế giới này để lại vợ trẻ, con thơ. Điều mà người ta nhớ mãi về cậu chỉ là thằng nhỏ thất học, mù chữ, thằng nghiện, thằng ăn cắp. Còn mấy ai nhớ đến nụ cười trong trẻo của cậu, những lần cậu vui đùa cùng trẻ con trong xóm, những lúc đi bắt cá ngoài đồng, những lúc cậu giúp hàng xóm cất quần áo khi trời mưa, trông con cho đôi vợ chồng trẻ nhà bên cạnh nấu cơm…

Người tốt làm việc xấu – người ta nhớ mãi. Người xấu làm việc tốt – chẳng ai nhắc đến bao giờ. Cuộc sống đôi khi thật trớ trêu. Chẳng phải trong chúng ta ai cũng có mặt xấu, mặt tốt, sao không nhớ đến những điều tốt đẹp của nhau?!

Không ai mong muốn trong gia đình mình có một người nghiện. Chính bản thân những người nghiện cũng không thể ngờ có ngày mình lại rơi vào con đường nghiện ngập. Hãy nhớ về những điều tốt đẹp họ đã từng làm. Nếu chúng ta đã không thể giúp được họ cai nghiện để làm lại cuộc đời, thì chí ít hãy để họ được ra đi thanh thản. Hãy ngừng “ném đá” những người đã chết.

Xem thêm tin mới về  2 học sinh mất tích khi tắm biển: Tìm thấy một thi thể ở Quảng Nam