Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quyết tâm tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực ngành

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Đào Ngọc Dung tại buổi gặp gỡ, giao ban với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018, ngày 21/2. Các Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Đào Hồng Lan, Lê Tấn Dũng, Lê Quân cùng tham dự buổi gặp mặt này.

Quyết liệt, sáng tạo, minh bạch trong giải quyết hồ sơ tồn đọng 

Điểm qua các hoạt động nổi bật của Ngành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Năm 2017 là năm mà ngành LĐ-TB&XH có nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và thiết thực, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, ngành đã giải quyết được các vấn đề do lịch sử để lại, nhất là giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách làm quyết liệt, cụ thể, sáng tạo và minh bạch. Từ đầu năm 2017 với quy trình về giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, Bộ đã quyết tâm vào cuộc rà soát thì cả nước còn 5.900 hồ sơ tồn đọng, phấn đấu cơ bản trong năm giải quyết được vấn đề này và đến nay không còn đơn thư phản ánh hay khiếu nại. Không chỉ đơn thuần là giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng, mà quan trọng hơn là chúng ta đã mở ra cách làm được đúc rút qua nhiều thế hệ với chủ trương đúng và trúng với ý Đảng lòng dân.  

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quán triệt: Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. 

Riêng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngành LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã chuyển quà của Chủ tịch nước cho 1,9 triệu người có công với cách mạng với kinh phí 386 tỷ đồng; nhiều địa phương còn trích ngân sách khoảng 1.174 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng và có mức chi quà cao hơn quy định như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng, Thái Bình, Nghệ An…

Đối với lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, trong năm 2017, nước ta phải hứng chịu 16 trận thiên tai, bão lũ nên thiệt hại rất nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nhưng nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đã cứu trợ khẩn cấp kịp thời, tập trung nguồn lực công tác xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gần 17.000 tấn gạo cứu đói cho 1.139.548 nhân khẩu của 20 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực. 

Xem thêm tin mới về  Giải đáp nút bạc Youtube được bao nhiêu tiền 1 tháng?

Mặc dù trong năm có nhiều biến động như: môi trường, đối tác… nhưng công tác xuất khẩu lao động vẫn đạt được những kết quả khả quan do chúng ta quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp cụ thể để giữ vững và ổn định thị trường lao động. Trong đó có việc tổ chức các cuộc đối thoại ngay từ đầu năm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (282 doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Đồng thời tổ chức các cuộc thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt, nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn kịp thời cho 35 doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan thì 50.000 lao động của Việt Nam không có điều kiện sang Đài Loan làm việc. Qua đó nâng tổng số lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm lên 134 nghìn người, vượt hơn 28% kế hoạch, trong đó mở được nhiều thị trường tiềm năng và có thu nhập cao, giảm tỷ lệ lao động Việt Nam vi phạm ở nước ngoài.

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay (đạt 100,2%) nhờ chú trọng vào việc đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Bộ trưởng, mặc dù là năm đầu tiếp nhận quản lý hệ thống giáo dục về Bộ LĐ-TB&XH với rất nhiều khó khăn, thách thức vì phải tổ chức lại một loạt các trường trung cấp, cao đẳng.

 Năm 2017, toàn ngành LĐ-TB&XH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng thể chế và được đánh giá là một trong bốn Bộ, ngành xây dựng chính sách bám sát thực tiễn, được nhân dân ghi nhận

“Song do chúng ta bắt tay ngay vào việc xây dựng lại toàn bộ hệ thống thể chế, hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo lộ trình; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH đã tham gia rất hiệu quả vào thành công rất lớn của Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC và các hoạt động đối ngoại, trong đó có hai hoạt động lớn bên lề do ngành tổ chức được đưa vào tuyên bố cấp cao APEC.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Góp phần vào thành công chung trong các lĩnh vực của ngành còn phải kể đến sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có các đơn vị báo chí thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Báo Lao động xã hội đã bám sát nhiệm vụ của ngành và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, truyền thông hiệu quả, có nhiều tin bài sâu, phân tích và có tính định hướng, tờ báo thực sự là cơ quan ngôn luận của Bộ. Các cơ quan báo chí ngành cùng báo Lao động xã hội đã kịp thời đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng để kịp thời tuyên truyền các lĩnh vực hoạt động của ngành và định hướng dư luận…

Xem thêm tin mới về  Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

“Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 

Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quán triệt: Ngành LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả” để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp chủ yếu, như: Nghiên cứu, đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là khẩn trương hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đề án cải cách tiền lương, chính sách BHXH, Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi). Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động. Thực hiện tốt chính sách tiền lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục giải quyết căn bản hồ sơ đang còn tồn đọng xác nhận gười có công, triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công hoàn thành trong năm 2018; bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư… 

 Ghi nhận, đánh giá cao công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2017, Bộ trưởng đề nghị năm 2018 cần tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác trợ giúp xã hội, đảm bảo 100% các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách; tạo môi trường sống an toàn, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ; xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 – 4 đối với các thủ tục hành chính về lao động, người có công và xã hội…

Theo Thanh Mạnh/baodansinh

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/