Trao quyền cho trẻ em gái và ngăn chặn trẻ em gái bị quấy rối trên mạng

Chuỗi hoạt động “Trao quyền cho trẻ em gái – Girls Takeover” đang được thực hiện trên phạm vi toàn cầu là nỗ lực của tổ chức Plan International nhằm tạo cơ hội để trẻ em gái được lên tiếng, trở nên tự tin hơn khi nắm giữ những chức vụ quan trọng. Kể từ khi chuỗi hoạt động bắt đầu, hàng trăm trẻ em gái trên toàn thế giới đã được đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo trong mọi lĩnh vực từ truyền thông, giải trí đến kinh tế và chính trị để thể hiện khát khao được bình đẳng.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, tại Hà Nội, sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái #GirlsTakeover đã diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa. Năm nay, tổ chức Plan International Việt Nam đồng hành cùng Ehomebooks – Thương hiệu sách giáo dục gia đình trên hành trình thúc đẩy và trao quyền cho trẻ em gái. Em Thùy Dương, 17 tuổi, học sinh Trường THPT Vân Nội và em Ý Nhi, 18 tuổi, sinh viên ĐH Luật Hà Nội đã lần lượt được trao quyền bởi Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam – bà Sharon Kane và Tổng biên tập Ehomebooks, ông Trịnh Minh Tuấn. Phương Anh và Ý Nhi đã đưa những góc nhìn mới lạ, sáng tạo của thế hệ trẻ vào kế hoạch của công ty, tổ chức khi các em có cơ hội lên nắm quyền và ra quyết định.

Bà Sharon Kane – Giám đốc Quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam, ông Trịnh Minh Tuấn – Tổng biên tập Ehomebooks cùng Phương Anh và Ý Nhi tại sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái. Ảnh: T. Vân


Bạo lực trên mạng ngăn chặn trẻ em gái nói lên quan điểm của mình


Theo Ý Nhi, Internet và mạng xã hội là “kênh” mà các bạn trẻ hiện nay đang ưu tiên sử dụng để tìm kiếm thông tin, cũng như chia sẻ quan điểm của mình với cộng đồng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái. Ý Nhi chia sẻ: “Tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đều có nguy cơ bị công kích, chỉ trích và bắt nạt trên mạng xã hội. Từng được coi là nền tảng để chia sẻ suy nghĩ cá nhân, ngày nay nhiều bạn không dám thể hiện bản thân trên Facebook, Instagram nữa bởi lo sợ những lời chê bai, khinh miệt, chỉ trích khắt khe và không hề mang tính xây dựng từ “cộng đồng mạng”.

Xem thêm tin mới về  Suối nguồn yêu thương


Một cuộc khảo sát của tổ chức Plan International với 14.000 trẻ em gái từ 22 quốc gia trên toàn thế giới về vấn đề an toàn trên mạng cho thấy: Hơn một nửa trong số đó bị quấy rối trên mạng. 39% bị quấy rối trên nền tảng Facebook và trên nền tảng Instagram là 23%. Cứ 4 em gái thì 1 em luôn cảm thấy không an toàn khi lên mạng sau khi bị quấy rối. Hậu quả là 42% trong số các em gái ấy vĩnh viễn mất đi sự tự tin về chính mình. Cứ 5 em gái thì 1 em vĩnh viễn từ bỏ hay giảm thiểu sử dụng mạng xã hội một cách rõ rệt sau khi bị quấy rối. Rõ ràng, bạo lực trên mạng hiện hữu trong cuộc sống của mỗi người, để lại hậu quả nghiêm trọng, cản trở trẻ em gái nêu lên quan điểm của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở cấp độ toàn cầu, cuộc sống phụ thuộc nhiều hơn vào môi trường mạng, các em càng gặp nhiều rủi ro hơn bao giờ hết.


“Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nội dung trên mạng. Việc bị chỉ trích đã ảnh hưởng rất nhiều đến hình thành tính cách của chúng tôi. 37% các em gái dân tộc thiểu số bị bắt nạt do nhóm dân tộc và sắc tộc. 56% các em gái LGBTQI+ bị quấy rối vì giới tính” là công bố được đưa ra trong báo cáo.

Em Lợi, 14 tuổi, dân tộc Dao, được trao quyền bởi Hiệu trưởng Trường THCS Hoang Thèn, Lai Châu. Ảnh: P. Anh

Đảm bảo an toàn trên mạng cho trẻ em gái


Mọi người thường bảo: “Nếu không chấp nhận được sự chỉ trích, thì đừng lên mạng xã hội”. Đây không phải là câu trả lời xác đáng. Trẻ em gái không chấp nhận sự thật đáng xấu hổ này và sống trong một xã hội thiếu công bằng. Thế giới cần lên án quấy rối trên mạng ngay bây giờ. Trẻ em gái cần được biết, khi bị đe dọa hay xâm hại trên mạng, các em cần báo cáo với ai và sẽ có hành động xử lý như thế nào?

Xem thêm tin mới về  Cần xem lại chất lượng cán bộ Ngành Tư pháp


Những trẻ em gái tham gia khảo sát đề xuất giải pháp cần được nói chuyện, lắng nghe và đồng hành cùng các em phát triển hệ thống báo cáo xâm hại phù hợp với đối tượng trẻ em gái và đảm bảo thủ phạm phải đối mặt với công lý.


Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ: “Nhiều người vẫn chưa nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc bắt nạt và quấy rối trên mạng, họ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng tắt máy tính, điện thoại đi là mọi việc sẽ kết thúc. Khi thực sự lắng nghe trẻ em gái, đặc biệt những em đã từng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, chúng ta mới hiểu được phần nào những tổn thương về mặt tâm lý mà các em phải chịu đựng”.


Cùng chung quan điểm với định hướng của tổ chức Plan International, em Thùy Dương mong muốn gửi đi nhiều thông điệp truyền thông tích cực tới các bạn trẻ để ngăn chặn hành vi quấy rối trên mạng, đặc biệt khi em có cơ hội trở thành Giám đốc Quốc gia của một tổ chức phi chính phủ hoạt động về quyền trẻ em gái. “Tôi sẽ đồng hành cùng mạng lưới thanh niên của tổ chức Plan International Việt Nam tại tất cả các tỉnh/thành để xây dựng những chiến dịch truyền thông hiệu quả, nhằm lên án và chấm dứt hành vi bắt nạt trên mạng xã hội”, Thùy Dương chia sẻ kế hoạch của mình.


Tại sự kiện trên, đại diện từ tổ chức Plan International và nhà phát hành sách Ehomebooks đã cam kết để cùng đi tới một mục đích chung, đó là xây dựng một môi trường mạng an toàn, nơi trẻ em gái có thể tự tin lên tiếng mà không bị ngăn cản bởi những chỉ trích, phán xét không mang tính xây dựng.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/