Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm: Kết nối vì một mục đích tốt đẹp

932 hộ gia đình, tương đương với hơn 4000 người, đến từ các Hợp tác xã và cộng đồng người dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ tiểu dự án “Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để phát triển sinh kế và giảm nạn săn bắt động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đó là thông tin được cung cấp trong báo cáo tổng kết dự án sau một năm thực hiện từ 9/2019 – 9/2020, tại buổi lễ tổng kết tiểu dự án diễn ra trực tuyến, sáng 25/9/2020. Tiểu dự án do dự án Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Liên Minh Xanh phối hợp. Theo đó, tiểu dự án nhằm phát triển sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng, qua đó giúp giảm dần áp lực của con người lên rừng và tài nguyên rừng như nạn săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản ngoài gỗ, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hình ảnh từ buổi họp trực tuyến, lễ tổng kết tiểu dự án

Buổi họp trực tuyến với sự tham gia của ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT, Trưởng Ban Quản Lý dự án Trường Sơn Xanh; ông Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám Đốc dự án Trường Sơn Xanh; Bà Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Viri. Lễ tổng kết trực tuyến cũng kết nối với 145 thành viên tham dự. Trong đó là 85 khách và 60 thành viên đại diện đến từ các nhóm sản xuất, các hợp tác xã hưởng lợi từ dự án.



Cuộc họp tổng kết dự án – Đầu cầu trực tuyến từ Viện Viri

Tạo ra những tác động về mặt xã hội, kinh tế và môi trường

Đánh giá về hiệu quả của tiểu dự án, Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nhận định, qua một năm thực hiện tiểu dự án cho thấy những kết quả đáng khích lệ. Hai mục tiêu qua chỉ số báo cáo đều đạt. Các hoạt động được triển khai đa dạng. Các sản phẩm từ các hợp tác xã đều được liên kết, đưa vào trong mạng lưới thương mại. Cách quảng bá sản phẩm, tham gia bán hàng trực tuyến, các cổng kết nối giao thương… đều được triển khai một cách hiệu quả.

Theo ông Tuấn, dự án cho thấy các hoạt động để thay đổi nhận thức hay sinh kế cho người dân ở các vùng của dự án đã thu được những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thu hút được các xã viên, đồng bào dân tộc thiểu số trong mỗi hợp tác xã cũng tham gia và tiếp cận khá mạnh trong các hoạt động.

Đồng quan điểm này, theo ông Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám Đốc dự án Trường Sơn Xanh, hơn 50 nhóm hoạt động với 15 mốc công việc phải đạt được, trong bối cảnh dịch Covid-19, thì đây là một khối lượng công việc đồ sộ và rất áp lực về tiến độ và thời gian. Tuy nhiên, dự án đã thực hiện được và đi đến tổng kết. Ông Đỗ Đăng Tèo cũng nhấn mạnh, vai trò của dự án Trường Sơn Xanh chỉ là chất xúc tác cho các dự án xảy ra. Còn tất cả các tác nhân khác, các đối tác chính tham gia vào dự án mới là yếu tố chính đưa lại kết quả này.

Xem thêm tin mới về  Giới siêu giàu phục hồi từ những thiệt hại mà COVID-19 gây ra trong thời gian ngắn kỷ lục, nhưng hàng tỷ người sẽ sống trong cảnh nghèo đói trong vòng ít nhất một thập kỷ


Với sự hỗ trợ của dự án, từng bước đã góp phần khôi phục được nghề truyền thống dệt Dèng riêng có của người dân tộc Tà Ôi. Bên cạnh đó cũng tạo thu nhập cho người dân, giúp người dân ổn định cuộc sống. Có gần 300 người hưởng lợi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, dự án góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ, nhằm về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm áp lực vào rừng. Người dân hiểu biết thêm về các hoạt động hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh.

Mặc dù bị tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong quá trình thực hiện dự án nhưng UBND huyện A Lưới đánh giá rất cao hiệu quả của tiểu dự án. Theo đó, dự án đã hỗ trợ đào tạo về dây chuyền sản xuất, kinh doanh một cách có tổ chức, có kế hoạch rõ ràng cho 04 HTX Dệt Dèng. Mở rộng quy mô HTX Thổ cẩm xanh AZakooh từ 30 lên 132 thành viên. Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về  may; thiết kế nhiều mẫu mã sản phẩm đẹp từ vải Dèng, làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Giới thiệu, kết nối các sản phẩm ra các địa phương trong và ngoài tỉnh thông qua các điểm kết nối tinh hoa. Đồng thời giúp địa phương có thêm sản phẩm phục vụ du lịch mà trước đây huyện chưa có điều kiện để thực hiện.

Tiểu dự án đã tạo ra những tác động về mặt xã hội, kinh tế và môi trường với các cộng đồng tham gia thực hiện tiểu dự án. Tiểu dự án đã góp phần tạo việc làm ổn định cho thành viên các HTX, các nhóm sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm dần những hoạt động khai thác kém bền vững.

Để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị thì không thể thiếu được các hỗ trợ ổn định đầu ra cho sản phẩm. Dự án đã hỗ trợ tăng cường liên kết kinh doanh giữa người dân, HTX với các doanh nghiệp. Ngoài ra, tiểu dự án hỗ trợ xây dựng 08 Điểm kết nối tinh hoa Huế tại Huế, Hà Nội để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, cùng với kênh truyền thông qua mạng xã hội Facebook, đồng hành cùng các HTX và doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kết nối giao thương online nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm.

Kết nối vì một mục đích tốt đẹp

Sản xuất bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm gắn chặt với việc trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm hướng đến một tương lai bền vững. Đó cũng là mục tiêu số 12 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia. Kết nối vì một mục đích tốt đẹp, để cùng nhau chia sẻ và truyền cảm hứng về lợi ích của sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm.

Xem thêm tin mới về  Sau khi Hà Nội công bố 38 công trình mất an toàn cháy nổ: Nhiều cư dân muốn bán nhà

HTX Du lịch thôn Dỗi là một một trong những nhóm hoạt động nằm trong khuôn khổ tiểu dự án

Tiểu dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kết nối thị trường cho 05 HTX bao gồm HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh, HTX Nông nghiệp dược liệu A Roàng, HTX Du lịch cộng đồng thôn Dỗi, HTX Mây tre đan Bao La và 08 nhóm trồng cây nguyên liệu tại 02 huyện A Lưới và Nam Đông. Với phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, Viri và công ty Liên Minh Xanh hỗ trợ người dân địa phương từ khâu đầu vào như các kỹ thuật khai thác mây tự nhiên một cách bền vững cũng như quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu, đồng thời nâng cao năng lực về quản lý và kinh doanh cho các nhóm sản xuất và HTX.

Bà Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng của Viri, cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, hầu hết các sự kiện, hội chợ dự kiến diễn ra trong tháng 8 và tháng 9 đều phải huỷ. Tuy nhiên, nhu cầu kết nối thị trường cho các nhóm sản xuất vẫn hết sức quan trọng giúp các nhóm sản xuất phục hồi và khắc phục các rủi ro. Chính vì vậy, Viri đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ các nhóm sản xuất và hợp tác xã kết nối giao thương online nhằm giúp tăng cường thị trường mới, nâng cao thu nhập. Bằng hình thức đơn giản, dễ sử dụng, các HTX sẽ được tiếp cận trực tiếp với khách hàng dựa vào các tính năng của Zoom (mức độ cao) như trình diễn cồng chiêng, giới thiệu các bài hát và điệu nhảy truyền thống, giới thiệu sản phẩm và tương tác trực tiếp với khách hàng.

Thời gian tới, Viri và công ty Liên Minh Xanh tiếp tục hỗ trợ các HTX xúc tiến bán hàng trên sàn thương mại điện tử  và kết nối khách hàng nước ngoài bằng cách trao đổi trực tuyến qua Zoom hay tour du lịch ảo. Đồng thời cũng sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền địa phương để hỗ trợ xúc tiến hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho những sản phẩm của các HTX: HTX Du lịch cộng đồng Thôn Dỗi, HTX Nông nghiệp dược liệu A Roàng, HTX Thổ cẩm xanh AzaKooh.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/