Nhiều vấn đề trong đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân Khu công nghiệp

Đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN đang có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra: 49% công nhân cho rằng xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng; 38,5% cho rằng tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân tăng; 24,6% cho rằng có tình trạng cưới rồi không dám sinh con vì kinh tế khó khăn; 19,3% cho rằng tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều; 20,2% cho rằng có tình trạng lao động nữ sinh con và nuôi con một mình; 11,7% có con nhưng không đăng ký kết hôn.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) hiện nay” được tổ chức vào sáng 24/5 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo giới chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện tổ chức công đoàn và DN.

Theo Khảo sát từ Tổng LĐLĐ, 212 KCN đang hoạt động trên cả nước đang thu hút hơn 2,4 triệu công nhân, trong đó 60-70% là lao động nữ và phần lớn là lao động di cư đến từ nhiều địa phương khác nhau. Sự phát triển của các KCN tác động tích cực trong tạo việc làm, thu hút lao động với quy mô lớn và đa dạng, góp phần hình thành và phát triển các gia đình công nhân trong KCN. Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống gia đình để công nhân “an cư, lạc nghiệp” tại các KCN đang đối mặt nhiều thách thức.

Đa phần công nhân có tuổi đời trẻ, là người lao động nhập cư mới tốt nghiệp phổ thông, thoát li từ nông thôn ra thành thị đến làm việc. Việc hầu hết các KCN hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động (NLĐ); đời sống tinh thần của công nhân nghèo nàn; mất cân bằng giới tính tại KCN; đời sống vật chất của công nhân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiền lương chưa đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản hằng ngày của NLĐ. Tất cả nguyên nhân đó dẫn tới áp lực về đời sống vật chất khiến đại bộ phận công nhân lúng túng khi lựa chọn bạn đời và lo lắng các điều kiện cần và đủ để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Theo các đại biểu, chính chất lượng sống thấp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của CN, đặc biệt là chất lượng giống nòi khi họ sinh con. Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng ngoài quy hoạch các KCN không đồng bộ, tách biệt với môi trường bên ngoài, tình trạng mất cân bằng giới tính tại nơi làm việc khiến cơ hội tìm kiếm bạn đời của lao động nữ càng bị thu hẹp. Chưa hết, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của CN nói chung, CN nữ nói riêng và trẻ em còn khó khăn, thiếu thốn. Số liệu khảo sát do Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày tại hội thảo đã phác họa bức tranh toàn cảnh về đời sống hiện nay của CN các KCN: 79,1% không có tích lũy; 69,7% không có nhà cửa ổn định; 38,2% sợ ốm đau không có tiền chữa bệnh; 29,2% lo lắng công việc không ổn định; 47,5% cho rằng không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con và 21,8% phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp.

Xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân trong CN rất đáng báo động. Có 24,6% CN cho rằng có tình trạng cưới rồi không dám sinh con vì kinh tế khó khăn; 19,3% cho rằng tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều; 20,2% cho rằng có tình trạng lao động nữ sinh con và nuôi con một mình; 11,7% cho rằng có con nhưng không đăng ký kết hôn. “Qua khảo sát, phần lớn CN không đòi hỏi quá nhiều vào người bạn đời của mình bởi 73,8% mong muốn người bạn đời có trách nhiệm với gia đình, con cái” – bà Bùi Phương Chi, Trưởng Phòng Công tác giới Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, thông tin.

Xem thêm tin mới về  Người Việt duy nhất lọt danh sách lãnh đạo trẻ toàn cầu 2016

Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết:  yêu, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, ước mong giản dị đó với đa phần CN lao động ở KCN, KCX không hề dễ dàng. Từng không ít lần lặn lội đến thăm CN nhà trọ, bà Hồng cho biết nhiều CN tâm sự rằng họ rất muốn yêu nhưng không dám cưới. Khi đã lập gia đình, họ cũng không dám sinh con vì sợ không đủ khả năng nuôi dưỡng. Thực tế, nhiều nữ CN sau khi sinh con buộc phải gửi về quê cho ba mẹ trông giúp. Bản thân người mẹ không được gần con, con không được bú mẹ. Tất cả điều đó dẫn đến những hệ lụy về đời sống tinh thần lẫn tình cảm. “Thật đau lòng khi đâu đó trên báo chí đưa tin hình ảnh em bé bị bỏ rơi, các sinh linh nằm trong sọt rác ở KCN. Là bậc cha mẹ, khi đọc những tin tức đó, chúng ta rất xót xa” – bà Hồng chia sẻ.

Tại Hội thảo, cùng với việc công bố những kết quả khảo sát, nghiên cứu của đề tài “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các KCN hiện nay”, các đại biểu cũng tham luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến công tác gia đình và các yếu tố tác động đến vấn đề xây dựng đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay do các chuyên gia về giáo dục, lao động, việc làm, đại diện Vụ Gia đình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Viện nghiên cứu Gia đình và giới; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố nhiều KCN… trình bày.

Những ý kiến từ Hội thảo, cùng với kết quả nghiên cứu sẽ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm nhìn nhận, dự báo xu hướng về đời sống hôn nhân, gia đình công nhân đặc biệt là nữ công nhân tại các khu công nghiệp, là nơi người lao động gặp nhiều khó khăn hơn so với các khu vực khác. Từ đó, đề xuất những giải pháp có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng điều kiện sống, đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay.

Xem thêm tin mới về  Ca Covid-19 toàn cầu vượt 62 triệu, Mỹ cảnh báo hậu quả thảm khốc

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/