Giúp để sống sau lở đất, lũ lụt

Thiên tai dù hung dữ đến mấy rồi cũng qua đi. Cuộc sống đời thường lại trở về. Tuy nhiên, cuộc sống ở những nơi lở đất, lũ lụt, không dễ trở lại bình thường ngay được.

Cần quan tâm hơn đến khắc phục hậu quả thiên tai

Trong hoạn nạn, chúng ta đã thấy được cách đồng bào chúng ta chia sẻ, bao bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Trong những ngày bão lũ ở miền Trung, từ hai đầu đất nước, xe cứu trợ ùn ùn chở cái ăn, cái uống, cái mặc… giúp đồng bào. Ngoài ra, một số lượng đáng kể tiền bạc cũng đã được chuyển tới những người mất người thân, mất tài sản. Điều này làm cho tất cả chúng ta ấm lòng.

Tuy nhiên, đồng bào bị thiên tai cần sự trợ giúp khác nữa vô cùng quan trọng. Đó là tổ chức cuộc sống sau thiên tai. Những nơi bị lở đất, chắc là người dân không thể sống tiếp ở nơi đó. Vậy là cần phải tìm đất, kiếm nguyên vật liệu để dựng lại nhà mới. Điều này rõ ràng là phải cần đến sự trợ giúp của chính quyền và các nhà hảo tâm: Giúp cả về thủ tục, công sức và tiền bạc.

 Bộ đội giúp dân dựng nhà sau lũ. Ảnh KT

 Còn đối với những gia đình nhà bị ngập nước trong nhiều ngày, việc tổ chức lại cuộc sống cũng vô cùng nặng nề. Trở về sau khi nước rút, nhìn nhà cửa tan hoang, đầy bùn đất, vật dụng trôi mất hoặc bị hư hỏng, lợn gà chết hết… thì ít ai cầm lòng được. Sức lực gần như cạn kiệt sau những ngày vạ vật ở hội trường, bờ đê, mô đất…, bây giờ làm sao mà dọn dẹp? Giường, tủ, chăn màn ẩm ướt và mục nát, làm sao mà ngủ ngáy?

Lúc này đây vẫn cần lắm sự giúp đỡ của mọi người! Sự giúp sức của bộ đội, công an, sinh viên và các đoàn quân thiện nguyện. Họ dọn dẹp sân vườn, kỳ cọ nhà cửa, sửa điện, sửa nước và động viên tinh thần bà con vùng lũ.

Xem thêm tin mới về  Thực hành lối sống bền vững vì môi trường

Cần có cái nhìn dài hạn về cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai

Sau thiên tai, rất nhiều vấn đề đặt ta. Ngoài việc cứu trợ cho những gia đình bị mất người, mất của; việc khôi phục lại nhà trường, bệnh viện, cầu đường… cũng vô cùng cần thiết. Để làm được những điều này, cần những nguồn lực lớn và kịp thời. Trên thế giới, nhiều quốc gia họ có sẵn khoản kinh phí nhất định phục vụ cho công tác khắc phục thiên tai. Khi có các tình huống thiên tai cần cứu trợ, họ xuất kinh phí ra một cách nhanh chóng. 

Việt Nam ta cũng có kinh phí cho phòng, chống thiên tai do ngân sách đảm bảo. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Ví dụ, tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg, các địa phương bị thiệt hại phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ, trong khi các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nguồn lực hạn chế. Còn theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, chỉ các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ khi nhà bị sập, đổ, trôi; quy trình, thủ tục hỗ trợ rắc rối, kéo dài…

Như vậy, rất cần sự linh hoạt trong vận dụng chính sách để khắc phục hậu quả thiên tai.