Chuyên viên hóa trang Aslan Hữu Bằng: Đến với nghề như duyên định

Vì rất ghét trang điểm nên Hữu Bằng đi học du lịch, rồi dẫn chương trình ở các phòng trà. Nhưng 5 năm trước, khi có dịp tiếp xúc với phim, làm phim quảng cáo, rồi làm biên tập, chủ nhiệm phim, để ý thấy nghề hóa trang đầy cuốn hút, Hữu Bằng mê nghề này lúc nào không hay.

Thành công của một bộ phim hay sản phẩm âm nhạc… có phần đóng góp không nhỏ của các chuyên viên hóa trang. Đây là một nghề đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Chuyên viên hóa trang Hữu Bằng .

Hóa trang làm nổi bật cá tính vai diễn

 Chuyên viên hóa trang Aslan Hữu Bằng (tên thật: Hữu Phúc) cho biết, hóa trang góp phần không nhỏ khắc họa nên tính cách nhân vật, tạo vẻ đẹp thẩm mỹ của bộ phim. Người làm nghề hóa trang cho phim cần có thẩm mỹ cao, có khiếu mỹ thuật (khả năng vẽ tốt), bàn tay khéo léo, kiên trì, quan trọng nhất là có trí tưởng tượng và sáng tạo. 

Con đường đến với nghề hóa trang của Hữu Bằng như một duyên định. Ban đầu, Hữu Bằng rất ghét trang điểm nên học du lịch. Ra trường, Hữu Bằng dẫn chương trình ở các phòng trà. 5 năm trước, Hữu Bằng có dịp tiếp xúc với phim, làm phim quảng cáo, rồi làm biên tập, chủ nhiệm phim. Hữu Bằng để ý thấy nghề hóa trang đầy cuốn hút và dần dần mê nghề này lúc nào không hay. Anh tự tìm hiểu, học hỏi những kiến thức làm đẹp cơ bản, rồi sau đó là làm “xấu”, “biến hóa” từ một người già thành trẻ… Ngưỡng mộ tài năng của cô Kim Phượng – một chuyên gia lão luyện với kinh nghiệm 20 năm, có cách hóa trang rất tự nhiên, thật như đời thường, Hữu Bằng tìm đến và được cô Kim Phượng chỉ dạy nghệ thuật hóa trang.

Càng làm, Hữu Bằng càng thấy đam mê, vì nó khơi gợi ở anh sự sáng tạo thẩm mỹ và những tìm tòi, khám phá mới. Trung bình, hóa trang cho một nhân vật mất  khoảng 10-15 phút, nhưng anh có thể mất 3-4 tiếng với nhân vật cần hóa trang hiệu quả đặc biệt (như vai ma). Anh đã tham gia hóa trang trong một số phim truyền hình và điện ảnh như: “Vạch trần tội ác”, “Mặt nạ tình yêu”, “Mảnh đời nghiệt ngã”… Hữu Bằng cho biết, tới nay, anh tâm huyết và ấn tượng nhất khi hóa trang trong bộ phim truyền hình “Pháp đình của lương tâm” (đạo diễn Tường Phương), phim sắp lên sóng HTV. Bên cạnh đó, anh còn hóa trang cho một số tiểu phẩm hài, MV ca nhạc. 

Xem thêm tin mới về  Kỳ tài thách đấu - chương trình giải trí có lịch sử lâu dài nhất Thái Lan đến Việt Nam

Diễn viên Lan Ngọc sau tạo hình hóa trang.

Hóa trang phải có thủ thuật

Trong bộ phim “Pháp đình của lương tâm”, Hữu Bằng hóa trang cho diễn viên Lê Vinh, vai thẩm phán, thay đổi nhiều sau 15 năm chịu nhiều biến cố cuộc đời và diễn viên Sỹ Toàn vai Đàm – phạm tội giết người, sau 15 năm mới dám thú tội, luôn phải chịu sự dằn vặt của lương tâm. Cái khó trong hai trường hợp này là phải hóa trang theo dòng thời gian, phù hợp với độ tuổi và tâm trạng của nhân vật. Diễn viên được hóa trang khác đi, khuôn mặt già nua, khắc khổ, hằn những nếp nhăn, với những khoảng sẫm màu ở hốc mắt, hốc má thể hiện nhân vật đang phải chịu nhiều áp lực về tâm lý, day dứt, trăn trở. Hữu Bằng chia sẻ, cùng là vẽ nếp nhăn, nhưng với người già sống trong đau khổ thì nhiều nếp nhăn hằn sâu, khác với người già sống trong sung sướng, nhung lụa. Do đó, chuyên viên hóa trang phải đọc kỹ kịch bản để nắm bắt diễn biến tâm lý, suy nghĩ và cảm nhận về các nhân vật trong phim, để tìm tòi, sáng tạo, hóa trang cho phù hợp với nội dung bộ phim, góp phần làm nổi bật lên cá tính vai diễn.

Khi hóa trang cho diễn viên Huỳnh Kiến An (62 tuổi), mái tóc đã điểm bạc, nhưng Hữu Bằng phải hóa trang cho nhân vật trở về tuổi 20. Đây là một khó khăn không nhỏ, đòi hỏi phải có thủ thuật hóa trang, không chỉ là đánh phấn nhiều lớp sao cho da căng mịn trẻ lại, nhuộm tóc đen… Nhưng hóa trang mấy cũng chỉ được 50%, còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của góc quay và ánh sáng.

Hiện, người làm nghề hóa trang gặp không ít khó khăn do thiếu những loại mỹ phẩm chuyên biệt và chất liệu đặc dụng. Ví dụ, người lớn tuổi hóa trang trẻ lại mấy chục tuổi bằng cách tạo ra một lớp mặt nạ silicon, sau đó dán lớp mặt nạ silicon đó lên mặt, và trang điểm lên 1-2 lớp phấn nữa thì khuôn mặt sẽ trẻ hơn. Nhưng lớp silicon mỏng này Việt Nam không có, phải đặt hàng ở nước ngoài, theo khuôn mặt từng người, giá rất cao, khoảng 120 USD, chỉ dùng 1 lần. Với phim điện ảnh, được đầu tư kỹ lưỡng mới có thể dùng đồ đắt tiền. Còn phim truyền hình, kinh phí hạn chế thì ít dám sử dụng. 

Xem thêm tin mới về  Giáo dục sớm cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời

Thu nhập không tương xứng

Vất vả đi theo đoàn phim suốt mấy tháng trời, Hữu Bằng cho biết, nếu diễn viên  đóng 12-14 tiếng/ ngày thì người làm hóa trang cũng vậy. Nhưng cát-xê trả cho người hóa trang vẫn còn thấp, không tương xứng. Mức cát-xê tùy thuộc, ví dụ, quay một bộ phim truyền hình khoảng 2 tháng, chuyên viên hóa trang nhận được từ 30 – 45 – 50 triệu đồng, tưởng là số tiền lớn, nhưng trừ chi phí cho mỹ phẩm, dụng cụ hóa trang… cũng không dư được là bao. Thu nhập của người làm nghề hóa trang chỉ đủ sống ở mức trung bình. Họ phải mua sắm đồ liên tục, hóa trang cho cả trăm diễn viên, phải lựa nhiều loại mỹ phẩm có chất lượng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đặt mua mỹ phẩm ở nước ngoài cũng phải có mối quen nhờ mua tại chính hãng thì đỡ được phần nào chi phí. Còn nếu không, phải đặt hàng qua mạng thì chi phí đội lên nhiều. Đây cũng là một trở ngại cho nhiều người trong nghề. Và còn nhiều khó khăn khác nữa, nhưng trên tất cả là một tình yêu nghề cháy bỏng sẽ giúp họ vượt qua mọi thử thách của nghề.

Nguồn: https://giadinhvatreem.vn/